Ngày 12/2, theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Bộ Công an, hiện tại đoàn cứu nạn, cứu hộ được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất do đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - trưởng đoàn làm trưởng nhóm và nhóm thứ hai do đại tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng CNCH, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm trưởng nhóm.
Đại tá Khương - Trưởng đoàn sẽ chỉ đạo trực tiếp nhóm tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường còn đại tá Hà chỉ đạo việc sắp xếp các thiết bị, phương tiện, rà soát trang thiết bị y tế…
Trong ngày 11/2, công tác cứu nạn, cứu hộ được dự kiến sẽ thực hiện xuyên đêm, tuy nhiên đến 1h ngày 12/2 (giờ địa phương) thì tạm dừng do có dư chấn động đất ảnh hưởng đến công tác cứu nạn, cứu hộ. Ngay sau đó, công việc sẽ được tiếp diễn vào sáng sớm 12/2.
Thiếu tá Nguyễn Văn Cần - Phó Trưởng khoa CNCH trường Đại học PCCC cho biết, hiện nay do có rất nhiều khó khăn về thời tiết, ngôn ngữ cũng như tình hình sự cố sập đổ do động đất nhưng mọi người trong đoàn vẫn đang cố gắng chạy đua với thời gian để thu được kết quả tốt nhất.
“Hiện đoàn đã tiếp cận rất gần với người bị nạn và còn một chút nữa là họ được đưa ra ngoài để về với người thân” - thiếu tá Cần nói.
Nỗ lực dưới thời tiết âm 6 độ C
Còn trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó Đội trưởng đội CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH, Công an TP HCM chia sẻ từ hiện trường, nhận được lệnh điều động, đơn vị đã chủ động chuẩn bị những trang thiết bị đặc chủng và của Bộ Công an và các đơn vị trang cấp mang theo. Đây là các thiết bị hiện đại nhất được phục vụ trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên, do thời tiết âm 2 - 6 độ C và phải di chuyển làm nhiều chặng nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp khó khăn nhưng anh em trong đoàn đã cố gắng khắc phục với tinh thần nhân ái, nhân đạo và hữu nghị quốc tế.
Trung tá Đào Duy Thương - Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và ứng phó về công tác PCCC&CNCH của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin khi đến hiện trường nhà cửa trong thành phố bị sập.
“Vụ cứu nạn, cứu hộ nào cũng có khó khăn nhất định, tuy nhiên, lần này có một đặc thù rất riêng bởi di chuyển quãng đường rất xa (2 ngày di chuyển trên đường) và khối lượng trang thiết bị rất lớn (hơn 10 tấn hàng hóa). Thời tiết nhiệt độ bên nước bạn cũng là một thử thách đối với cán bộ.
Theo trung tá Khương, khi đoàn đến được người dân, lực lượng chức năng của nước bạn rất nhiệt tình và đánh giá cao sự giúp sức của chúng ta trong công tác cứu nạn, cứu hộ và đã tạo điều kiện rất tốt để anh em thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, về ngôn ngữ thì tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thách thức đối với lực lượng cứu nạn cứu hộ, nhiều khi anh em phải dịch qua ngôn ngữ trung gian nên cũng có chút khó khăn.
Trước đó, chiều ngày 11/2, đại diện đoàn công tác và Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trao viện trợ thuốc men cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.