Dân nói khó, chính quyền bảo không

TP - Nhiều người dân nghèo xã An Hòa (huyện An Lão, Bình Định) bức xúc vì chạy vạy nộp từ 5 - 5, 5 triệu đồng tiền đối ứng để nhận bò hỗ trợ từ chương trình 30a nhưng chất lượng bò không như hứa hẹn.
Con bò hỗ trợ theo Nghị quyết 30a cho một hộ nghèo sau khi nộp tiền đối ứng 4,5 triệu đồng

Vừa qua, 31 hộ nghèo được chọn ra từ 1.242 hộ nghèo của toàn xã An Hòa, huyện miền núi An Lão (Bình Định) nhận hỗ trợ bò theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Theo “sáng kiến” của xã, mỗi hộ phải nộp thêm 5 - 5,5 triệu đồng tiền đối ứng để chọn được con bò ưng ý, và có chất lượng tốt. Chị Nguyễn Thị Diệu (xóm 2 thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão, Bình Định) may mắn được chọn trong đợt hỗ trợ lần này.

Hai vợ chồng trẻ mới cưới ra riêng bắt đầu từ hai bàn tay trắng nên khi thấy tên trong danh sách nhận bò thì mừng lắm. Chạy vạy mượn cả hai bên nội ngoại để vay được 5,5 triệu đồng nộp đối ứng như quy định rồi chạy xe sang huyện Hoài Nhơn để nhận bò. Đến nơi thì chỉ còn mỗi con bò ốm nhom, lại bị tiêu chảy đứng chơ vơ trong trại nên không còn sự lựa chọn nào khác. “Lúc đấy do chỉ còn một con nên người ở trại nói cứ dắt về, nếu nuôi một thời gian không khỏi thì mang lên đây đổi” - chị Diệu kể.

Một tuần hết lòng chăm bẵm nhưng con bò vẫn gầy ốm, tiêu chảy và không chịu ăn gì, vợ chồng lại dắt bò lên trại, nộp thêm 1,5 triệu đồng để đổi con bò khác. Không chỉ có vợ chồng chị Diệu, nhiều hộ nghèo trong xã An Lão cũng phản ánh bức xúc khi nhận bò kém chất lượng trong đợt hỗ trợ bò theo Nghị quyết 30a vừa qua.

Trao đổi với PV Tiền Phong về những ý kiến bức xúc của các hộ nghèo trong việc nhận bò kém chất lượng, ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: Trước đây, định mức hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 30a là không quá 14 triệu đồng/hộ. Mới đây, khi thực hiện theo Quyết định mới của UBND tỉnh thì mức hỗ trợ dưới 10 triệu đồng. Vì lo ngại với mức hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giống vật nuôi nên xã xin chủ trương của huyện và vận động người dân nộp thêm tiền đối ứng. UBND xã An Hòa là bên trung gian thu nhận tiền giúp cho đơn vị cung ứng giống từ các hộ dân.

Trong đợt hỗ trợ giống bò cho hộ nghèo năm 2014, có tất cả 40 con để lựa chọn ra 31 con cho 31 hộ, con nào không đạt thì loại. Người dân bốc thăm trên số lượng con giống đã được chọn. Việc đánh giá chất lượng ngoài người dân trực tiếp có mặt còn có hội đồng nghiệm thu của xã và các ngành chức năng của huyện.

“Năm nay, xã vẫn tiếp tục thực hiện việc đối ứng trong hỗ trợ vật nuôi theo Nghị quyết 30a. Hiện chúng tôi đang trình kế hoạch phương án xây dựng, vốn đối ứng năm nay dự kiến là 5 triệu đồng. Toàn xã có gần 37% hộ nghèo nên những trường hợp này thường được hưởng nhiều chương trình cho vay vốn do đó khi thực hiện chủ trương này người dân cũng không gặp khó khăn gì!” - ông Trung nói.