Đại úy 'giải cứu' chổi ế

TP - “Chổi chít đẹp, bền của chính người khuyết tật, khiếm thị làm: 50k/chiếc (ship miễn phí trong địa bàn Hà Nội), người ship đảm bảo đẹp trai”. Chẳng ai ngờ, đó là một chàng đại úy của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Sau giờ làm việc, trút bỏ quân phục, Trần Anh Tuấn rong ruổi khắp Hà Nội bán chổi chít giúp người khiếm thị.

Không làm màu

Không ít người thán phục trước hành động nghĩa hiệp của chàng song cũng có người buông lời khiếm nhã: Kẻ đạo đức giả, kẻ làm màu, hâm… Chàng đại úy sinh năm 1981 cũng chạnh buồn nhưng đáp lại: “Chưa biết tôi là ai mà bạn qui chụp tôi là kẻ đạo đức giả, thật hồ đồ. Còn tôi có làm màu hay không hãy để thời gian chứng minh. Tôi không bán chổi ngày một, ngày hai mà làm dài lâu. Rồi bạn sẽ thấy”.

Sinh ra và lớn lên ở gần Bến xe Hà Đông (Hà Nội), từ bé, Tuấn đã được tận mắt chứng kiến những cảnh đời, những số phận không may mắn, cũng như những cảnh chướng tai gai mắt… diễn ra như cơm bữa ở bến xe, bến tàu. Điều đó ám ảnh anh, nuôi trong anh giấc mơ trở thành công an, để bảo vệ những thân phận thiệt thòi.

"Tôi có tự trọng của người lính. Hình ảnh người công an những năm trở lại đây ít nhiều bị sa sút. Trong bối cảnh ai cũng sống cá nhân, khiến một bộ phận anh em trong ngành bị ảnh hưởng. Tôi làm công việc này cũng mong chạm vào trái tim của đồng nghiệp, lôi kéo họ tham gia công tác thiện nguyện, sẽ thấy tâm hồn thanh thản khi mang lại niềm vui cho người khác”

Trần Anh Tuấn tâm sự

Vào một buổi tan tầm, Trần Anh Tuấn chạy xe từ trường đại học về nhà.  Đường tắc, tiếng trẻ khóc xen lẫn tiếng quát mắng nhau làm không khí trở nên oi bức, trong khi thiếu người phân luồng giao thông, đại úy quyết định xuống xe làm nhiệm vụ giải tỏa ách tắc. Anh bỗng phát hiện trong đám đông có một đôi vợ chồng khuyết tật mang chổi chít đi bán. Xong việc, anh tiến đến hỏi chuyện mới biết,  họ bị bại não từ bé nhưng  lấy nhau lại sinh được một đứa con thông minh, khỏe mạnh. Trần Anh Tuấn tò mò: “Mỗi ngày anh chị bán được bao nhiêu chiếc chổi?”. Đôi vợ chồng khổ sở đáp: “Chỉ được 3, 4 cái thôi”. Một ý nghĩ vụt đến,  đại úy bảo đôi vợ chồng: “Thôi, để em bán giúp cho anh chị. Anh chị cho em số điện thoại. Nhưng em yêu cầu một giờ nào đấy, anh chị vẫn phải  đứng bán chổi ở một địa điểm nhất định, để em ra lấy hàng và gọi mọi người ra ủng hộ”. Từ đó, đôi vợ chồng khuyết tật có thu nhập ổn định hơn. Nhưng Trần Anh Tuấn sau một hồi đi bán chổi đã thành ra “nghiện” công việc này: “Bây giờ hai người tương đối ổn định tôi lại giúp người khác. Nhưng tôi bảo họ khi nào chổi ế thì gọi điện cho tôi, hoặc có gì đột xuất trong đời sống thì báo cho tôi, tôi sẽ đến. Như mới rồi, ông chồng bị đau dạ dày, tôi phải đến đưa vào bệnh viện”.

 

Nhưng đã giúp người khuyết tật cũng phải công bằng: “Tôi không bán cho một người mà bán cho từng người một. Sau đó người nào khó khăn nhất, tôi ưu tiên nhỉnh hơn một chút. Thí dụ, tôi nói với họ: Trường hợp cô X khiếm thị, cháu cô đang mổ tim, nên ưu tiên”. Cho nên, việc anh “nhảy” vào bán chổi không gây mất đoàn kết trong nội bộ những người khiếm thị ở Hội người mù Hà Đông (gần địa bàn anh sống). Đại úy rất chăm bán chổi, cứ rảnh là đi: “Nhưng tôi tập trung nhất vào tháng hè, khi được nghỉ phép gần một tháng. Tôi bán từ sáng đến tối. Riêng kỳ nghỉ tết, tôi bán được vài trăm cái chổi, thế là mỗi người khuyết tật cũng có đôi triệu để tiêu tết”, mắt anh sáng lên vui vẻ.

Bán chổi cho người khuyết tật.

Trong suốt một năm, Trần Anh Tuấn đã giúp người khuyết tật bán ra khoảng 2 ngàn chiếc chổi. Việc làm đặc biệt của đại úy lên ti vi, Bộ trưởng Bộ Công An đã viết thư khen ngợi. Vì lá thư của Bộ trưởng Tô Lâm, nhiều người đã xôn xao và gợi ý Trần Anh Tuấn: “Được bộ trưởng quan tâm thế này, phải tận dụng”. Chàng đại úy hơi phật lòng: “Tận dụng cái gì? Nếu tận dụng thì còn gì là công tác xã hội?”.

Cứ 5 giờ chiều, trút bỏ quân phục, chàng đại úy cưỡi  xe máy đi bán chổi. Những lời quảng cáo của chàng hoàn toàn đúng sự thật: Chổi chít của người khuyết tật dày, bền vì thế giá cũng cao hơn một chút, còn người đưa hàng tất nhiên cao ráo, đẹp trai. Tất cả số tiền thu được anh gửi lại cho người khuyết tật, còn chi phí xăng xe, điện thoại, anh tặng họ.

Có người hỏi: Tại sao không đi tìm mặt hàng khác để giúp đỡ người khuyết tật, mà lại  bán chổi? Trần Anh Tuấn lí giải: “Làm gì cũng phải tính, tìm được công ăn việc làm cho họ rất khó. Ngay việc làm chổi chít của họ cũng bị cạnh tranh với người sáng mắt rất nhiều. Trong khi chưa nghĩ ra được nghề gì thì cứ duy trì nghề làm chổi”. Chàng đại úy khoe, trong khi nhiều người khiếm thị đã chuyển nghề, chủ yếu chuyển sang nghề mát-xa, tẩm quất thì hội người mù ở Hà Đông vẫn duy trì được nghề làm chổi.

Thiện nguyện mọi nơi

Đã ba năm nay, cứ chiều thứ 6 hàng tuần, Trần Anh Tuấn lại tới trường Nguyễn Đình Chiểu, dạy ghi - ta cho trẻ em khiếm thị. Được học đàn, học nhạc từ bé, lại có bằng cử nhân sư phạm âm nhạc loại giỏi của Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, nên anh thường mang âm nhạc để phục vụ công việc và làm công tác xã hội. Anh là một thành viên tích cực của phong trào mang âm nhạc đến bệnh viện. Viện K, Viện Huyết Học- Truyền Máu Trung ương, Viện Nhi Trung ương… là những địa điểm anh và nhóm hoạt động thiện nguyện thường tới. Trần Anh Tuấn dự định, sẽ đưa các em khiếm thị đến biểu diễn văn nghệ phục vụ những bệnh nhân ung thư, để các em thấy rằng, xung quanh các em còn biết bao cuộc đời không may mắn, được sống đã là vui, nên cần phải sống ý nghĩa  hơn.

Trần Anh Tuấn dạy đàn cho trẻ em khiếm thị.

Công tác thiện nguyện gắn với Trần Anh Tuấn như một niềm đam mê. Anh nhìn đâu cũng thấy những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Đi lên vùng cao, thấy thầy trò nơi đây vật lộn với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, anh và đồng đội lại vận động quyên góp để xây hai điểm trường: Trường Lũng Lầu B, Trường PTDT bán trú xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và Trường Sì Khà Lá, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang. Chuyện làm từ thiện ở ta những năm gần đây nở rộ, vàng, thau đôi khi lẫn lộn. “Phải làm công khai, minh bạch, tiết kiệm, qua đó người dân sẽ hiểu về chiến sỹ công an nhiều hơn”, Trần Anh Tuần nói. Anh thường khuyến khích, động viên những người tài trợ cho hoạt động thiện nguyện cùng tham gia chương trình. Từ hoạt động kêu gọi ủng hộ miền Trung  lũ lụt của một MC nổi tiếng, Trần Anh Tuấn rút ra bài học cho mình: Chỉ nhận một số tiền vừa đủ cho hoạt động. Thí dụ, xây điểm trường hết khoảng 200 triệu đồng thì anh và đồng đội chỉ nhận đóng góp của nhân dân đúng bằng số tiền đó, mọi chi phí được công khai, không nhận thêm. Nếu ai có nhu cầu đóng góp phải chờ chương trình lần sau.

Một sự thật không thể chối cãi: Làm từ thiện dễ nảy sinh lòng tham. “Có những người không quen biết gọi điện cho tôi vì được xem chương trình về tôi trên ti vi. Họ muốn mua chổi, khi tôi mang chổi đến, họ đưa hẳn hai triệu đồng, bảo có trường hợp nào khó khăn thì cứ mang giúp người ta. Tôi không nhận nhưng người ta vẫn quyết đưa. Về sau, tôi phải cầm tiền nhưng nói, khi chi tiêu gì sẽ gọi điện xin phép, mọi khoản chi tiêu được ghi trong sổ, được công khai trên trang cá nhân, người ủng hộ có quyền hỏi, số tiền họ gửi được dùng vào việc gì”, đó là cách Trần Anh Tuấn “cưỡng chế” khả năng nảy mầm của lòng tham.

Đứng về người khuyết tật nên anh được họ yêu mến. Bị bệnh phải nằm viện, anh khiến họ lo lắng và tự trách:  Phải chăng vì đi bán chổi, đi dạy học vất vả mà đại úy mắc bệnh? Trong bệnh viện, Trần Anh Tuấn vẫn chịu khó quan sát. Có một người lính cùng phòng, cứ đến bữa cơm, lại thấy ông cất đi vài miếng thạch. Nhiều lần như vậy, anh tò mò hỏi lí do. Thì ra, người lính già có hai đứa cháu ở quê. Bọn nhỏ thấy ông ra thành phố chữa bệnh lại tưởng ông đi du lịch, vì thế khi về chúng sẽ đòi quà. Ông không ăn thạch để mang về làm quà cho các cháu. Tuấn không thể cầm lòng. Hôm sau ra viện, anh vận động anh em quyên góp quà mang đến biếu người lính già. Ông cảm động không nói nên lời nhưng đôi mắt rưng rưng của ông khiến anh thấy lòng ấm áp.

“Quảng cáo” tìm vợ trên “phây”

Trần Anh Tuấn 35 tuổi vẫn chưa vợ. Một hôm, người hàng xóm nói với mẹ của anh: “Thằng Tuấn trông thế mà chẳng lấy được vợ, kém”. Mẹ chàng bực lắm, ăn cơm xong, bà lên phòng con trai, quát: “Mẹ sinh con ra, cao ráo, đẹp giai, sao mãi giờ này không lấy được vợ?”. Vừa thương mẹ, vừa buồn cười nên Trần Anh Tuấn lén dùng điện thoại quay lại cơn thịnh nộ của mẹ, rồi đưa lên FB. Không ngờ một ngày kia, có một cô gái nhắn tin: Em muốn tìm hiểu công tác xã hội của anh? Thế rồi, cô đi theo anh đến lớp dạy đàn, cùng theo anh đi bán chổi. Sau cùng, cô ngỏ lời: Em cũng là người lính, cũng đang đi tìm một nửa, nếu anh cũng đang đi tìm một nửa, hãy cho chúng ta một cơ hội. Trần Anh Tuấn cảm kích người con gái có chí khí. Hơn nửa tháng sau, một đám cưới bình dị diễn ra. Đến nay, họ đang mong chờ nhà có tiếng cười con trẻ. Trần Anh Tuấn động viên vợ: “Để anh làm nhiều việc thiện, rồi trời sẽ cho con, em đừng lo”.