“Không đủ chứng cứ phải thả ra”
Chiều 7/5, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức toạ đàm “tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm”. Từ kinh nghiệm thực tiễn và trực tiếp tham gia giám sát vụ Hồ Duy Hải trước đây, Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, số đơn giám đốc thẩm nhiều có nguyên nhân do sơ thẩm, phúc thẩm làm chưa tốt.
“Nếu sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì giám đốc thẩm sẽ giảm xuống. Phúc thẩm sinh ra là để sửa chữa sơ thẩm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
“Sai trái trong các vụ án hình sự và cả dân sự có thể do điều tra, kiểm sát, hay toàn án. Trong đó án dân sự là khủng khiếp. Nhiều khi người ta bị mất tiền vì một bản án dân sự, nhưng sự phẫn nộ, bức xúc còn quan trọng hơn số tiền ấy dongười ta không tâm phục khẩu phục, cho rằng có vấn đề trong xét xử”, ông Nghĩa cho hay.
Đặt câu hỏi tại sao vụ Hồ Duy Hải dẫn đến giám đốc thẩm, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, vụ việc này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã giám sát trực tiếp và cá nhân ông cũng là thành viên trong đoàn giám sát. Vụ Hồ Duy Hải, Uỷ ban Tư pháp đã họp rất nhiều cuộc, có cả sự tham dự của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.
Đại biểu đoàn TPHCM nhấn mạnh quan điểm “đã sai thì phải sửa”. Theo ông, mấu chốt nhất trong vụ Hồ Duy Hải là vấn đề bằng chứng. Một nguyên tắc rất cơ bản ở mọi quốc gia là phải đủ chứng cứ mới buộc tội. “Luật pháp Việt Nam văn minh không kém nước nào, tại sao không làm vậy? Có thể anh nghi ngờ người đó, nhưng muốn buộc tội người ta thì phải có bằng chứng, chứng cứ. Một khi không đủ chứng cứ, thì anh không được buộc tội người ta”, ông Nghĩa nêu.
“Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép. Vụ Hồ Duy Hải không đủ chứng cứ, sơ thẩm, phúc thẩm có vấn đề về chứng cứ”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
“Vừa nói đã đập bàn bắt im”
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho rằng, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều là do chất lượng xét xử. Do án sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm chưa thấu tình đạt lý, chất lượng không cao, nên người ta mới không phục và phải đi tiếp. “Khi tôi còn là luật sư, đi bào chữa, có những bản án viết như vỡ lòng, rất buồn. Quyền lợi bị xâm phạm, tội phạm bị bỏ lọt thì đương nhiên người ta tiếp tục phải khiếu nại thôi”, ông Nhưỡng cho hay.
“Chất lượng xét xử hoàn toàn phụ thuộc vào công tác cán bộ. Dùng quyền lực là chính chứ không dùng kiến thức. Người ta vừa nói, anh đã đập bàn, bắt im rồi thì người ta nói làm sao? Mà không có thông tin thì làm sao quyết? Như vậy thì đúng là “án bỏ túi” rồi. Nhưng có những việc Tòa án không phát hiện được, vì quá trình điều tra, quá trình làm hồ sơ, người ta đã làm quá “tròn”, thậm chí tìm mọi cách để “bịt” rồi”, ông Nhưỡng cho hay.
Viện dẫn vụ Hồ Duy Hải đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Phó Ban Dân nguyện cho rằng, vụ việc này bộc lộ một số lỗ hổng mà Uỷ ban Tư pháp phát hiện ra, dư luận phát hiện ra, nhưng có những trường hợp bị “bịt”, thậm chí sử dụng dấu của cơ quan điều tra, kiểm sát đóng vào đấy rồi.
Đồng tình quan điểm, theo luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán), có rất nhiều vụ án gần đây gây “bão” dư luận vì những điều rất sơ đẳng. Trong đó có vụ Hồ Duy Hải, các chứng cứ chứng minh “có rất nhiều vấn đề”.