> Khởi kiện... 'nhân tài'
> Công dân toàn cầu đâu cứ phải 'hoành tráng'
Người thân nói không biết
Ngay sau khi báo Tiền Phong đăng bài viết “Khởi kiện... nhân tài” phản ánh hiện tượng một số học viên (HV) trong chương trình đào tạo nguồn lực chất lượng cao của Đà Nẵng có dấu hiệu, không chịu quay về làm việc cho thành phố theo đúng hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm, bắt bồi thường đúng quy định bởi đó là tiền thuế của dân. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, đây là vấn đề tế nhị, bởi nhiều lý do khác nhau nên có thể các HV chưa có điều kiện cống hiến.
PV Tiền Phong tìm đến người thân của 3 HV sắp bị chính quyền khởi kiện; họ đều tỏ vẻ không biết. Chị N. (vợ của HV Nguyễn Văn L.), cũng đang công tác ở Sở KHCN Đà Nẵng, nói rằng, chị không rõ chồng ở đâu, làm gì vì đã mất liên lạc từ lâu: “Chuyện ai làm người đó chịu, tôi không liên quan, tôi cũng mong muốn anh ấy về Việt Nam, giải quyết dứt điểm với thành phố cho xong”, chị N nói. Anh L. đang làm nghiên cứu sinh ở Úc. Mẹ của HV Hà Thanh A. (bỏ sang học ở Anh khi đang làm ở Sở Ngoại vụ) tỏ ra khá gay gắt khi PV đặt câu hỏi. Bà nói có nghe thành phố khởi kiện con bà, gia đình hiện không có thêm tin tức gì và cũng sẵn sàng hầu kiện.
Bà Xuân M. (mẹ của HV Hồ Thị Như M., bỏ sang Anh học khi đang làm ở Khu Công nghệ cao thành phố) kể, Như M. từng xin được học bổng dự bị ĐH ở Anh, sau khi được vào chính thức thì xin thành phố cấp kinh phí vì học bổng quá cao.
Đà Nẵng đã hỗ trợ Như M. học 3 năm ĐH ở Anh với số tiền 20.000 USD/năm cùng các khoản chi phí bắt buộc khác. Trong thời gian học, Như M. lấy chồng người Anh, học xong đưa chồng về Đà Nẵng cùng làm việc. Sau 2 năm làm ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Khu Công nghệ cao, đôi vợ chồng bỏ về Anh, cắt đứt liên lạc với thành phố.
“Trước khi đi, con gái tôi cũng viết một bức thư cho thành phố, ngỏ ý xin nghỉ không lương để giải quyết chuyện gia đình. Lúc nào xong sẽ quay về làm việc tiếp” – bà Xuân M. nói. Bà M. nói không chắc chắn về việc con gái có trở về hay không. Người mẹ này cho rằng, thành phố kiện là hơi quá, bởi con gái bà chưa có dấu hiệu phá vỡ hợp đồng.
Bên tình, bên lý...
Một cán bộ Tòa án quận Thanh Khê cho hay, vụ việc hoàn toàn có thể khởi kiện và chiếu theo hợp đồng, nguồn gốc số tiền, chứng từ kinh tế, thỏa thuận..., UBND thành phố Đà Nẵng sẽ thắng kiện và đòi lại số tiền gấp 5 lần hoặc 3 lần kinh phí bỏ ra. Tuy nhiên, vị này nói vấn đề là với người tài, nên ứng xử thế nào cho tế nhị. Chọn giữa tình hay lý đang là chuyện không đơn giản, bởi kinh phí đào tạo chính là tiền thuế của dân.
Một cán bộ một Sở ở Đà Nẵng (xin giấu tên) đã công tác 2 năm theo diện thu hút nhân tài, nói rằng, HV ra nước ngoài làm tiến sĩ, được các DN mời gọi lương nghìn đô, môi trường thông thoáng, trong khi ở trong nước, lương thấp, nhiều khi bị bố trí chưa đúng khả năng, sở trường. Dù vậy, dẫu thế nào thì kinh phí cũng phải hoàn trả tùy theo thương lượng, vì đó là luật, vị cán bộ nói.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao, đến tháng 9, nếu cả 3 trường hợp trên không đền bù hợp đồng theo quy định (gấp 5 lần), Trung tâm sẽ khởi kiện.
“Quyết định của UBND thành phố ra từ tháng 6, nhưng chúng tôi gia hạn 3 tháng cho người nhà lo giải quyết. Đó cũng là thời hạn cuối bởi kỳ thực, chúng tôi đã động viên, thương lượng với 3 gia đình này nhiều lần”, ông Chiến nói.
Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng, Đà Nẵng thực chất vẫn chưa mất những con người này, họ đi làm ở đâu cũng đang là người Đà Nẵng, một lúc nào đó sẽ quay về.
“Làm sao cho người ra đi cảm nhận được chính quyền thành phố không quá sòng phẳng chi li từng đồng, từng hào trong chế tài tài chính, rất day dứt về việc chưa đủ sức thuyết phục để giữ chân họ và sẵn lòng mở rộng cửa đón họ quay lại. Đây là bản lĩnh và là cái tâm của người lãnh đạo, quản lý. Vì muốn người ta quay trở lại với mình thì mình không nên vội tỏ ra trở mặt, mặc dù ở đây trở mặt thay đổi thái độ cũng không có gì sai, cũng là chuyện bình thường”, ông Tiếng bày tỏ.