Bãi biển Cửa Đại tuyệt đẹp giờ đã bị sóng biển nuốt chửng (ảnh lớn). Các khu Resort ở Cửa Đại đã mất trắng bãi biển (ảnh nhỏ). Ảnh: Trần Tuấn
Con xe cẩu hiệu Kato ngó chừng đã già nua ghì mình đứng choãi dưới biển, bánh xích bám chặt mép cát chốc chốc bị sóng biển trào trắng xóa che phủ. Bọt nước rào rào nhiều lúc tung cao quá đầu người ngồi lái cẩu khuất mặt trong cabin. Phía ngoài, chơi vơi trên đầu hàng cọc thép vừa cắm lút xuống biển, một người đàn ông mặc chiếc áo mưa mỏng nước biển dán bết vào thân hình nhỏ thó. Ông chật vật vừa lựa thế đứng, vừa dùng tay không “lái” cho những chiếc cọc thép dài 10 mét treo đu đưa lủng lẳng trên đầu cần cẩu dựng vào đúng vị trí xếp lớp. Nhắm chừng đã yên vị, đầu cần cẩu bắt đầu đóng mạnh cho cây cọc thép thun thút chui xuống lớp cát ướt. Hết cây này đến cây khác. Mỗi cây cọc âm sâu xuống lòng cát biển phải đến 4-5 mét, ghì sát vào nhau tạo thành hàng rào thép, bắt đầu ưỡn ngực cho sóng biển mặc sức gầm gào quăng quật những cột sóng cao ngất.
Phía xa xa, trên dải bờ biển còn cụt ngủn, tan nát, mấy chiếc xe xúc đang hối hả lùa cát vào từng chiếc bao tải khổng lồ màu vàng rơm, nghe gọi là loại bao tải địa kỹ thuật (GeoBagde) vừa nhập khẩn cấp về từ Hà Lan. Mỗi chiếc bao chứa được cả vài khối cát biển, phục vụ cho phương án kè mềm. Hàng cọc thép án ngữ tiền phương nhằm chặn bớt sóng lớn ập vào rút ruột bờ bãi, và để cho tuyến sau khô ráo dễ thi công kè mềm, tức là lần lượt xếp những hàng bao tải địa kỹ thuật chất chồng lên nhau tạo một bờ đê nghiêng dọc bờ biển như vách taluy. Bao vải một lớp có khả năng chống tia cực tím, chịu ánh nắng mặt trời, một lớp chịu lực, chắn sóng. Hàng cọc thép cứ phải đứng đấy đợi qua hết mùa giông bão này, tới chừng tháng 4 sang năm trời biển bể lặng mới có thể được dỡ về. Còn bờ kè mềm vẫn phải bám trụ trong công cuộc giữ từng vốc cát Cửa Đại. Cầm cự với hy vọng một điều kỳ diệu sẽ đến, như đã từng đôi lần xảy ra trong lịch sử: Biển sẽ không còn phá, bờ không còn lở nữa. Ban đầu dự kiến tuyến kè mềm dài 300 mét, nay vừa nghe ông Bí thư Hội An Nguyễn Sự bảo sẽ phải tăng lên thành 400 mét, bãi tắm Cửa Đại được khẩn cấp kè mềm với kinh phí mười mấy tỷ đồng.
Trên bờ, người Cửa Đại đăm đăm mắt ngó ra. Mệt mỏi. Chẳng nói năng chi. Một số du khách trong và ngoài nước cũng lặng im dòm xuống, ở nơi bãi tắm vốn phẳng lỳ biển xanh cát vàng. Nhớ mới đây thôi, hồi năm 2013, Cửa Đại còn được tạp chí Trip Advisor (Mỹ) bầu chọn vào top những bãi biển đẹp nhất châu Á. Nay thì bãi tắm còn lại duy nhất của 7 cây số bờ biển Cửa Đại này đang bị sóng biển nuốt sâu vào gần hết. Mấy bãi tắm khác vốn thuộc “sân sau” riêng biệt của hàng chục resort, khu nghỉ dưỡng kế bên, từng tấp nập dập dìu, giờ cũng đã bị xóa sổ hoàn toàn. Chỉ còn những bờ kè bê tông, đá tảng xám ngoét thô kệch được dựng lên như pháo đài hòng cố thủ phần nhà cửa, phòng ốc phía bên trong để khỏi bị biển gặm nốt.
Người Cửa Đại già trẻ, lớn bé ngày mấy lần kéo nhau ra xem cảnh đóng cọc cứu biển. Bên cạnh họ, sau lưng họ - những thân dừa cao lớn vốn đứng trụ ở ngoài kia xa tắp, đã bị sóng đánh bật gốc tua tủa rễ dạt vào nằm ngổn ngang. Chiếc xe cẩu của Công ty công trình công cộng Hội An lặng lẽ bới cát đào hố dựng lại từng cây, buộc néo san sát bên nhau. Những hàng dừa giờ đây trở nên dày đặc dựa sát vào nhau như bức tường thành màu xanh cố thủ những mét bờ cát cuối cùng trên Cửa Đại. Sóng biển mà phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này là chạm ngay tới mặt đường nhựa Âu Cơ. Và phía ấy là Hội An, là phố xá, đô thị, di sản... Chẳng đâu xa. Cuối con đường này thôi đã có những resort bỏ hoang vì bị sóng biển hủy diệt. Có cái xây xong phần thô, có cái đã hoàn thiện, nhưng bỏ dở từ lúc nào. Nhô cao lên nền trời một màu xám ngoét, cỏ mọc hoang dại...
Đại Chiếm hải khẩu là tên chữ của Cửa Đại xưa. Cửa biển lớn của người Chăm được trời đất mở ra từ thế kỷ thứ II, cách nay gần 2.000 năm. Đây từng là một trong thập nhị hải khẩu lớn nhất của xứ sở, một loại di sản đặc biệt khó xếp loại hình. Là di sản vật thể, hiển nhiên thôi. Bởi cửa khẩu này suốt từ thế kỷ II đến XIV thời vương quốc Champa, sang đến thế kỷ XVI-XVII thời Đại Việt, luôn tấp nập tàu bè Á-Âu cùng hàng hóa đổ về giao thương, tạo nên cảng thị Hội An – Faifo lừng lẫy trong lịch sử nhân loại. Một địa chỉ nổi tiếng của hải trình Con đường tơ lụa trên biển. Nhưng bảo là di sản phi vật thể, cũng không sai. Bởi nó như một thực thể tinh thần, sống mạnh mẽ trong tâm thức quảng đại của người mở cõi Đàng Trong. Dù dấu tích, móng nền chính xác của hải khẩu này trong nhiều giai đoạn lịch sử không còn nguyên gốc. Bởi liên tục bị thiên nhiên di dời, mở đóng…
Cắm cọc thép cứu bãi biển Cửa Đại. Ảnh: Trần Tuấn.
Cũng như huyền sử của một con sông nhỏ mang tên Cổ Cò nằm sát bên Cửa Đại và số phận gắn liền với Cửa Đại một cách kỳ lạ. Sông khởi đi từ miền đất Hòa Vang, len lỏi qua danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), xuôi mãi về Cửa Đại, qua mỗi vùng đất lại mang một tên mới: Hà Sấu, Bến Trễ, Đế Võng… Suốt những năm thương cảng Cửa Đại sống động với tàu bè, thì dòng sông mang tên chữ là Lộ Cảnh Giang bởi cảnh trí đôi bờ quá đẹp đẽ ấy, cũng sống động, sinh sôi. Tương truyền từ thế kỷ 14, Huyền Trân Công chúa theo sông này mà tìm về Đại Việt. Từ trên 400 năm trước, cho đến tận mùa Thu năm 1888 khi Đà Nẵng chính thức bị Pháp thuộc, giao thương giữa Tourane với Faifo vẫn kết nối trên sông Cổ Cò. Chỉ đến năm 1891, nhiều bão lũ, cát từ biển vào bồi lấp dòng sông, thì Cổ Cò chính thức là “dòng sông qua đời” bị vùi lấp ở đoạn Cửa Đại, giờ chỉ còn vài đoạn ngắn. Và Cửa Đại liên tục bị lấp bồi, xé lở, dấu tích thương cảng xưa cũng không còn. Để trở thành bãi biển du lịch như bây giờ…
Mưa bất chợt ào xuống Cửa Đại. Một người đàn ông dáng chừng làm xe ôm trên bãi biển kéo tôi vào trú cạnh cái bót gác bảo vệ của khu du lịch bên cạnh. Ông cho biết tên là Nguyễn Văn Thời, người làng Phước Trạch ngay Cửa Đại đây. Đưa tay chỉ những đợt sóng đang chồm chồm quật vào hàng rào thép dưới biển, ông lắc đầu. Bảo, thế không xong đâu, ba bữa sóng nó nhổ lên liền. Bao cát cũng không ăn thua. Phải dùng bê tông ba chấu, đợi mùa không có nhóc (sóng) bơi xà lan ra xa, thả bê tông xuống. Lút đến đâu thả đến đó, mới giữ được bờ. “Chứ cứ thế này nó còn tiến vào nữa, còn mất nữa. Phải coi đây là phòng tuyến quan trọng bảo vệ Hội An phía sau lưng”, ông Thời nói với vẻ sốt ruột. Cái sốt ruột của hầu hết con dân Hội An những ngày này. Cách gì thì cách, cứ phải giữ bằng được bờ bãi…
Tỉnh Quảng Nam và Hội An vừa “cầu cứu” Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trung ương nghiên cứu tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là thực trạng biển xâm thực tại khu vực ven biển miền Trung cũng như Quảng Nam – Hội An. Đồng thời nghiên cứu tiêu chí về khu du lịch sinh thái, xem xét ban hành bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để các địa phương nghiên cứu áp dụng.
Nhớ câu chuyện với ông Nguyễn Sự hồi sáng. Ông Bí thư Hội An bảo từ hồi nhỏ tôi đã chứng kiến bãi biển Cửa Đại xa tới cả 2 cây số. Thế rồi biển cứ lấn, bờ cứ thụt lui, giờ không còn được bao nhiêu mét. Có cái resort khi khởi công được cấp đất 100 mét mới tới biển. Nay biển đã nuốt vào tới 200 mét, hỏi còn gì nữa ?! Bãi tắm của các khu nghỉ dưỡng cũng mất sạch sẽ cả rồi. Một thứ “tai nạn” đau đớn không thể nào lường được với các nhà đầu tư du lịch đã bỏ vào đây hàng ngàn tỷ đồng, cả gia sản với ước mơ về một chốn thiên đường biển xanh, cát vàng… Nhiều doanh nghiệp đang tiến thoái lưỡng nan, cầm cự. Nhiều cái bỏ dở. Thời chưa lâu bờ Cửa Đại có 3 cái lăng, là Lăng Ông, Lăng Bà và miếu Âm linh. Nay cũng nằm hết dưới đáy biển rồi, từ những năm 1981-1983. Nhưng gì thì gì, không thể bê tông hóa bãi biển. Bởi nếu dùng bê tông, chỉ còn biển và kè, mà mất đi tài nguyên du lịch. Nên phải tìm cách vừa giữ được bãi biển và cát. Cũng phải hy vọng vào chính tự nhiên, theo chính quy luật của nó. Như thời 1995-1996, sạt lở dữ dội ở An Bàng (Cẩm An). Ông Sự là Chủ tịch Hội An khi đó, lệnh dời dân. Thế nhưng sau đó nơi này lại bồi trở lại. Năm 1990, một trận bão mở hẳn Cửa Đại xé băng qua đường lộ để thông với dòng sông bên kia, cắt đôi xã Cẩm An cũ. Nhưng 2 năm sau thì bồi lại. Chuyện này thì nghe ông Thời kể. Đâu như năm 1999-2000, phòng tuyến Cửa Đại lại bị bão lũ xé toạc, ngay vị trí khách sạn Victoria hiện giờ. Dân tình hoang mang, bèn xin chính quyền lập đàn cúng tế cầu cho biển bồi trở lại. Cầu 3 ngày 3 đêm. Cúng xong quả nhiên cửa biển lấp bằng như cũ!
… Chợt thấy gai gai trong người khi nhận ra trên những mép vực cát Cửa Đại sụp sâu tới vài ba mét là chi chít những cụm chân nhang. Những hàng chân nhang chạy dài nơi mép cát Cửa Đại, mà có lẽ mưa gió, nên nhiều chỗ không cháy hết còn lại nguyên cây. Không rõ nhang cũ hay người Cửa Đại mới đốt lên hôm qua, sáng nay. Công cuộc giữ đất, giữ bờ đến hồi cam go phải cầu cứu đến thần linh. Thì ra suốt ba ngày liền từ hôm 31/10 đến 2/11 mới rồi, nơi này người dân đã lại lập đàn cúng cầu an, cầu bồi cho bãi biển Cửa Đại. Chủ lễ là Hòa thượng Thích Giải Trọng trụ trì chùa Long Tuyền (Hội An). Gồm lễ nghinh thần, an thần, cầu kinh. Lễ tế Ông Nam Hải, các vị thần cùng âm linh, diễn xướng bả trạo, cúng thập nhị cô hồn … Nguyện mong rằng biển không cướp đi Cửa Đại…