Ông Phạm Ngọc Tỉnh sinh năm 1959 ở Thái Bình. Năm 1986, ông xuất ngũ vào Đắk Lắk lập nghiệp, về xã Ea Na mua 8 sào đất làm nông. Thấy trồng hoa màu quần quật tối ngày mà cái nghèo vẫn đeo bám, ông lên Buôn Mê Thuột học nghề sửa chữa điện cơ, điện dân dụng rồi quay về làng. Thấy nghề có triển vọng, năm 2007 ông vay ngân hàng 100 triệu đồng mở tiệm. Nhờ ông tay nghề cao cộng thêm chữ tín, tiệm ngày một đông khách. Thu nhập khấm khá giúp vợ chồng ông trang trải cuộc sống, cho 3 con ăn học tới nơi, tới chốn.
“Ông Tỉnh là cựu chiến binh gương mẫu, không chỉ dạy nghề miễn phí cho thanh niên, mà còn vận động người dân góp tiền mua dê, xây nhà tặng các hộ đồng bào khó khăn. Tuổi cao, ông vẫn hăng hái học thêm chứng chỉ MC dẫn chương trình, khiến mọi người kính nể”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Na
Nhìn những đứa trẻ trạc tuổi con mình nghỉ học giữa chừng, ông trăn trở. Nghe có cháu nào trong làng bỏ học, ông lặn lội đến nhà khuyên nhủ, lắng nghe mong muốn của chúng. Có cháu quay lại trường, cũng có cháu muốn học nghề, ông đều tận tình tư vấn. “Có đứa chịu nghe, đứa quay đi nhưng dù sao mình đã cố gắng hết sức. Tôi coi chúng như con nên khuyên được đứa nào, tôi mừng lắm”, ông Tỉnh chia sẻ.
Tới nay, ông Tỉnh đã dạy nghề miễn phí cho 12 thanh niên trong làng. Anh Mai Trung Hiếu, người cùng thôn theo học năm 2008, nói: “Bác Tỉnh dạy cả lý thuyết lẫn thực hành nên học viên tiếp thu rất nhanh. Người nào lanh lợi chỉ học 1 năm là thạo nghề. Học xong, mình được ba mẹ đầu tư vốn mở tiệm riêng. Mình biết ơn bác ấy nhiều lắm”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều thanh niên huyện khác cũng tìm đến ông xin học. Anh Lê Hải Lý (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) cho hay: “Thầy Tỉnh rất tận tình, mọi thắc mắc của trò đều được giải đáp hết chứ không giấu nghề đâu. Mình còn giới thiệu cho đứa cháu ở huyện Krông Pắc sang học. Giờ cả hai cậu cháu đều có nghề kiếm tiền rồi”.
Không chỉ tiền học, cả tiền ăn, ở ông đều không lấy, trò nào làm được ông còn trả 150 nghìn đồng/ngày. “Truyền nghề không thôi chưa đủ, tôi còn rèn đức cho chúng nữa. Nhìn học trò trưởng thành, biết kiếm tiền bằng sức của mình là tôi mừng rồi. Hy vọng chúng sẽ tiếp bước tôi truyền nghề cho các thế hệ sau”, ông nói.
Khó nhất trong quá trình truyền nghề của ông là dạy các em dân tộc thiểu số. Do bất đồng ngôn ngữ, trò tiếp thu bài chậm, ông phải cầm tay chỉ việc cho tới khi thành thạo. Sau hơn 1 năm theo học, em Y Tân Êban đã biết sửa đồ điện trong nhà. Tấm lòng của ông được bà con trong buôn ghi nhận. Họ gọi ông bằng cái tên thân mật “Ama Tình” - như người Ê Đê gọi bố theo tên con trai đầu, gần gũi thân thương như người cùng dòng tộc.