Cú huých trăm năm

TP - Lần đầu tiên tham dự cuộc họp qua Zoom khi dịch COVID-19 đang vào giai đoạn căng thẳng nhất ở Hà Nội, tôi cảm thấy khá lúng túng, giờ thì đã rất quen.

Đại dịch COVID-19 gây ra nỗi kinh hoàng với người dân khắp các châu lục. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, nó cũng mang lại những thay đổi có tính tích cực. Tại một cuộc họp về động vật hoang dã, một cán bộ bảo tồn nói “COVID-19 đã làm được một việc mà hàng trăm tổ chức bảo tồn, trong hàng chục năm qua không làm được, đó là buộc Trung Quốc cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã”.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, COVID-19 được giới chuyên gia coi là “cú huých trăm năm” bởi nó thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Trước khi bước vào giai đoạn giãn cách xã hội vì COVID-19, tôi và nhiều bạn bè chưa từng tham dự một cuộc họp trực tuyến, giờ thì đã quen và thường xuyên tham gia họp online dù cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường mới.
Trước đợt giãn cách xã hội do COVID-19, khái niệm về học trực tuyến, họp trực tuyến, làm việc từ xa chưa phổ biến ở Việt Nam, có chăng là ở khu vực đô thị, trong một nhóm nhỏ. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, những khái niệm trên đã trở nên quen thuộc và được chấp nhận, trở thành thói quen của nhiều người.
COVID-19 khiến chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách, đời sống người dân. Hồi tháng 4, bạn đại học của tôi ở quê gặp chút vấn đề sức khỏe mà không dám đi khám vì sợ lên Hà Nội có thể bị lây nhiễm COVID-19 rồi lại sợ từ Hà Nội về sẽ bị cách ly. Khi ứng dụng khám bệnh từ xa được triển khai, bạn tôi có cơ hội được khám bệnh ngay tại nhà, lại còn được tiếp xúc với các bác sỹ tuyến trung ương, điều mà trước đây phải xin nghỉ làm, lặn lội bắt xe xuống Hà Nội, ngồi chầu trực hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt. Những thay đổi thói quen do tác động của COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội, tạo ra “cú huých trăm năm” thúc đẩy chuyển đổi số - nền tảng để giúp Việt Nam bứt phá, vươn lên thành một quốc gia phát triển.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, số ít đó là các nước dám đi đầu, và đi nhanh thần tốc. Ba cuộc CMCN trước đây, cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá, thay đổi công cụ giải phóng lao động chân tay. Đầu tư cho những công cụ vật chất này phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi nước. Nó không phải là câu chuyện muốn hay không mà nhiều hơn là câu chuyện có khả năng kinh tế hay không. Nhưng cuộc CMCN lần thứ 4 này thì thay đổi phương thức, mô hình là chính, giải phóng cách chúng ta nghĩ về công việc và cuộc sống, về cách chúng ta sẽ sống và làm việc. Câu chuyện chính của cuộc CMCN 4.0, của chuyển đổi số, là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không, chứ không phải là chúng ta có khả năng hay không.
Tất nhiên, theo nhiều chuyên gia, chuyển đổi số ở Việt Nam mới đang chỉ ở giai đoạn đầu, phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn con tàu ấy đi nhanh.