Cú hích cho người yêu sử Việt

TP - Những báu vật vô giá sẽ đượcTrung tâm Lưu trữ Quốc gia trưng bày. Đây vốn là yếu tố làm nên chất lượng của các bộ hết sức giá trị về thời Nguyễn. 
Bản tấu của Quốc sử quán về việc bỏ hai chữ ngự danh, tôn tự là chữ Hồng và chữ Nhậm trên văn khắc in của bộ sách “Thực lục Chính biên Đệ tam kỉ”, năm Tự Đức thứ 32 (1879). Nguồn: TTLTQGI, CBTN-Tự Đức tập 324, tờ 138

Dòng tin nhắn của ông Tổng Biên tập Ngày mai, 2/12 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 18 Vũ Phạm Hàm, Hà Nội sẽ khai mạc Triển lãm Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản - Di sản tư liệu thế giới, nếu rỗi nhớ ghé qua tý…

Nếu và Ghé? Rỗi tất nhiên là không rồi… Nhưng tôi hiểu đó là chỉ thị phải thực thi.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện lưu giữ nhiều báu vật quốc gia tỷ như Châu bản Triều Nguyễn nơi tôi đã từng ghé thời điểm triển lãm Châu bản… Châu bản là một phần những văn kiện dùng vào việc quản lý hành chính điều hành đất nước từ năm 1802 đến năm 1945 của 13 triều vua từ Gia Long đến Bảo Đại. 

Châu bản, nghĩa đen là bản chữ son. Từ trào Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) hay trào nào của chúa Nguyễn chưa rõ, do kỵ húy mà chữ chu được gọi là châu?  Chu là son. Châu bản là những bản tấu sớ đã được vua châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên hay châu mạt.

Điểm. Phê. Khuyên. Mạt là những động thái của vua thể hiện thái độ chấp thuận hay từ chối trước một bản tấu của các quan về một việc nào đó.

Văn bản (bản tấu) gửi lên vua thường bắt đầu bằng một chữ tấu. Vua đồng ý chấp thuận hết thì chấm một chấm son lên đầu chữ tấu. Động thái ấy gọi là châu điểm.

Nếu vua không đồng ý hoặc chỉ chấp thuận một phần nào hoặc cần thêm thông tin gì đó thì vua sẽ tự tay viết vào bản tấu gọi là châu phê (Vua Tự Đức chữ đã tốt văn lại hay, lời châu phê có khi lại dài hơn cả lời của bản tấu. Ai cũng kinh cái tài của ngài- Trần Trọng Kim)

Bản tấu ở dưới dâng lên về một danh sách về nhân sự hoặc vật phẩm này khác để vua lựa chọn. Nếu chuẩn thuận thì vua dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ trước tên người hoặc vật phẩm. Động thái ấy gọi là châu khuyên.

Cuối cùng, những bản tâu mà vua không đồng ý  thì dùng bút son quệt lên tên người hoặc việc gọi là châu mạt hay châu cải (Mạt nghĩa là bôi, xóa, gạch bỏ).

Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận Di sản thế giới.

Thì nay Trung tâm I lại trưng tiếp mộc bản Triều Nguyễn.

Mộc bản có thể gọi đó là vưu vật của Tạo hóa, một báu vật quốc gia cũng đã được UNESCO tôn vinh. Nhưng thứ báu vật đó đương được bảo quản ở biệt điện Trần Lệ Xuân tận mãi Đà Lạt cơ mà?

Có một thứ báu vật khác trước cả mộc bản Triều Nguyễn nhiều thế kỷ. Ấy là mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tô phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.

Chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tô (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông  (1258-1308), từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đa, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam.

Mãi cuối thế kỷ XIX, một số vị sư hành phương Nam đến đất Sài Gòn đã cho xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm thứ hai tại số 339, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TPHCM đối diện với cơ quan đại diện báo Tiền Phong hiện nay. Chùa này nổi tiếng hơn cả chùa gốc - chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Những di sản vô giá

Xin trích ra đây văn bản Việt Nam đệ trình lên UNESCO hồ sơ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đề nghị công nhận là di sản tư liệu thế giới (Được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012).

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sơ, Di đà sơ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Kho ván khắc in, người xưa gọi là mộc thư khô là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm. Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta. Từ những ván khắc đó, có thể in ra đủ biên lan, bản tâm, ngư vĩ, thiên đầu, địa cước...

Lần này coi triển lãm mộc bản cứ có cảm giác, mộc bản triều Nguyễn là thứ di duệ của mộc bản Vĩnh Nghiêm, thứ quốc bảo Đại Việt?

Tôi gặp ở triển lãm một gương mặt đương độ tuổi băm là Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 Nguyễn Xuân Hùng. Ông trẻ nhưng sớm chững chạc cả về kiến thức lẫn nghiệp vụ lưu trữ. Câu chuyện của ông chủ Biệt điện Trần Lệ Xuân Đà Lạt, trụ sở chính của Trung tâm lưu trữ 4, nơi cất giữ 34.619 tấm mộc bản triều Nguyễn, là cả một câu chuyện khá thú vị.

Có thể bắt đầu từ những ngày mùa thu năm 1945, ông Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu (sau này là cố vấn Ngô Đình Nhu của chế độ đệ nhất Việt Nam Cộng  hòa) là Giám đốc đầu tiên Nha Lưu trữ và Thư viện Quốc gia của Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trực tiếp quản nhiều thứ quý giá trong đó có thứ quốc bảo là Châu bản và Mộc bản này. 

Từ Huế mộc bản được chuyển lên Đà Lạt. Rồi ngạc nhiên là cung cách bảo quản của chế độ mới sau năm 1975 chu tất nghiêm cẩn hơn cả thời ông Diệm lẫn ông Thiệu? Ấy là khi ông Giám đốc Trung tâm Lữu trữ Quốc gia 4 trưng ra một văn bản kêu cứu lần ấy địa điểm lưu trữ mộc bản bị ngập bất ngờ. Nhưng chính quyền ông Thiệu đã rất chậm trễ trong việc khắc phục… 

Chất lượng bây giờ của 34.619 tấm mộc bản các cỡ, may trong đó hơn 30 ngàn bản còn khá tốt, số còn lại hư hỏng trục trặc có thể do di hại lần ngập lụt ấy chăng? Sau 1975,  kho mộc bản được chỉnh trang, kiểm kê và di dời sang kho của một nhà thờ Dòng chúa cứu thế sau đó về đậu yên ở biệt điện của Trần Lệ Xuân. 34.619 mộc bản hiện đậu an lành trên các giá bảo quản với chiều dài hơn hai cây số! Cũng lạ hay may không biết mộc bản quý là thế nhưng nói nhỏ thôi nhá, chưa lọt vào tầm ngắm của bọn săn lùng đồ cổ?

Băn khoăn cách biên soạn  sách sử hiện đại

Giám đốc Hùng than tiếc, do nhiều lý do (có thể địa điểm triển lãm hạn chế, sợ thất lạc…) nên không kịp đưa một số mộc bản (nguyên bản lẫn phiên bản) ra để trưng bày… Nhưng qua giới thiệu và ảnh chụp tôi cố mường tượng ra thứ gỗ dùng làm ván khắc tài liệu mộc bản triều Nguyễn là gỗ thị, gỗ cây nha đồng. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất tinh xảo và sắc nét. 

Những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Những dòng chữ Hán, chữ Nôm được khắc ngược này dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân tuân thủ. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc giã.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 Nguyễn Xuân Hùng (phải).

Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.

Các vị vua Nguyễn đã ý thức được việc biên soạn chính sử là công việc trọng đại của quốc gia với sự ra đời của Quốc Sử quán thành lập 1820 dưới trào Minh Mạng. Sử nhà Nguyễn đồ sộ về mặt khối lượng phong phú về nội dung. 

Một trong yếu tố cơ bản làm nên giá trị phong phú ấy, có ý kiến cho rằng những người đứng đầu (na ná như Ban Biên tập) gồm Tổng tài Trương Đăng Quế văn minh điện Đại học sĩ khi đó đảm chức Binh bộ Thượng thư, Sung cơ mật viện đại thần. Là những Hà Duy Phiên Lại Bộ thượng thư kiêm quản Hình bộ Ấn triện, kiêm lãnh Quốc tử giám sự vụ. Hai ông là Tổng tài và phó Tổng tài chịu trách nhiệm quản lý điều hành việc làm sử của Quốc sử quán. 

Hai vị đại thần ấy, quyền đã cao chức lại trọng nhưng là những người thực tài. Sử còn biên chép những công trình khảo cứu giá trị của họ. Tất nhiên Ban biên tập thế nào thì sản phẩm như thế. Cũng nên nhớ, hai vị đại thần phụ trách ban biên tập ấy là do Minh Mạng trực tiếp điều động theo kiểu biệt phái đủ biết việc làm sử thời ấy quan trọng đến thế nào!

Tình cờ trong triển lãm đứng với mấy thày dạy sử của Trường ĐH  Xã hội Nhân văn. Một thày trầm ngâm đại ý, yếu tố làm nên chất lượng của các bộ sử  là do cơ quan làm sử (Quốc sử quán) đã căn cứ vào hệ thống châu bản, mộc bản những sự kiện người thật việc thật có sự kiểm chứng minh định của chính người đứng đầu là nhà vua.

 Vậy nên bây giờ chúng ta mới có những bộ sử giá trị về thời Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện, Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam thống nhất chí...  để mà tìm hiểu, tra cứu. 

Một thày khác chia sẻ thêm Mà này, cánh học trò nó chán sử hình như các sách sử bây giờ biên soạn có vẻ như khuyết và thiếu vắng đi cung cách công đoạn của các cụ thời Nguyễn làm chính sử phải không nhà báo?

Nghe rồi ắng lặng. Chả biết nói sao…