Cóp nhặt tư liệu làm sách tiền tỷ

TP - Được biết đến là người có kho tư liệu quý về hình ảnh Việt Nam cổ xưa nhưng ông Nguyễn Khắc Cần lại không hề biết sử dụng máy tính, không biết dùng Internet. Năng nhặt chặt bị, gom góp hàng chục năm, ông Nguyễn Khắc Cần soạn được rất nhiều sách, trong đó có bộ sách thu tiền tỷ.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Hiện nay, trong giới sưu tầm tư liệu cổ, không ai không biết ông Nguyễn Khắc Cần. Nhưng khi tôi gọi ông là nhà sưu tập, thì ông bảo: “Tôi chả là nhà nọ, nhà kia gì đâu, chỉ là ông giáo quèn mê sưu tập”.

Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Khắc Cần, có đôi chút e ngại vì được cảnh báo là ông rất kiệm lời, hơi khó tính. Thế nhưng, như chạm vào ký ức, khi được hỏi về các cuốn sách thì ông kể nhiều câu chuyện thú vị. Trong nhà ông có treo nhiều bức ảnh quý mà ông sưu tầm được, trong đó đặc biệt có bức thư pháp khá lạ. Ông Cần bảo, đó là hai câu thơ mà ông Trịnh Quan Tường viết tặng ông từ cách đây mấy chục năm. Theo lời ông Cần, Trịnh Quan Tường vốn là người học cùng thời với Mao Trạch Đông, chữ giống Mao Trạch Đông vì cùng học một thầy. Thời thế thay đổi, ông Tường sang Việt Nam, sống và qua đời tại Việt Nam. Đấy là câu thơ nổi tiếng của Lý Bạch trong bài thơ Tương tiến tửu (Mời rượu): Cổ lai thánh hiền, lai tịnh mạc/ Duy hữu ẩm giả, lưu kỷ danh (Xưa nay bậc thánh hiền rồi cũng chết/ Chi bằng uống rượu cho vui)...

30 năm cho một cuốn sách

Dù đã ở tuổi 84, ông Cần còn khá minh mẫn: “Bố tôi là nhà nho nên tôi ham đọc sách từ nhỏ. Tầm 9-10 tuổi gì đó, tôi đã đọc sách nhiều lắm, chả biết hay hay dở, cứ đọc. Lúc đó, tôi đã thích sưu tầm, ban đầu chỉ là những tấm bản đồ và những cái gì là lạ. Khi thấy nhiều quá, tôi đem ra sắp xếp lại theo chủ đề”.

Ông Cần là người Hà Nội gốc. Nhà ông trước ở phố Yên Thế, sau lấy vợ mới chuyển về Lê Duẩn. Ông học chuyên sử, sau là giáo viên dạy sử, rồi chuyển sang làm công tác văn hóa của Nhà máy dệt 8/3 (Hà Nội). Công việc cũng khá nhàn rỗi nên ông có nhiều thời gian cho đam mê riêng của mình. Nhưng khoảng năm 40 tuổi, ông mới bắt đầu sưu tập nghiêm túc, bài bản để có thể ra sách. Vợ ông khi còn khỏe, vẫn thường cùng ông sắp xếp tư liệu. Vài năm gần đây, bà ốm yếu, không đi lại được, chỉ còn mình ông lẩn mẩn một mình. Ông ở cùng vợ chồng người con trai. Cháu nội ông, 12 tuổi, cũng tầm tuổi ông thời mới sưu tầm sách báo. Khi hỏi cháu có thích công việc này không. Cu cậu trả lời ngay: "Không ạ". Mặc dù vậy, cu cậu cũng giúp ông được khối việc khi ông nhờ lấy tài liệu ở đâu.

Năm 1969, ông Cần tình cờ tìm được tập bản đồ cổ về Hà Nội thời Pháp đô hộ. Lúc đó, ông đã có ý định làm một cuốn sách về các cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ông cho biết, khi Pháp bắt đầu đánh vào Đà Nẵng năm 1858, đi đến đâu, họ cũng vẽ bản đồ. Sau này, ông tình cờ tìm được ở hàng đồng nát gần đủ bản đồ các tỉnh từ miền Trung ra miền Bắc. Cuốn “Việt Nam: Cuộc chiến 1858-1975” ngốn của ông Cần nhiều thời gian nhất, chừng 30 năm. Nó là tập hợp hơn 1.000 bức ảnh tư liệu quý về cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ tại Việt Nam mà ông sưu tầm từ sách báo, tạp chí của hơn 20 nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Đức, Ý, Anh, Hungary, Ba Lan... Từ khi có ý tưởng, cứ nghĩ ra cái gì, ông đều ghi chép lại. Có những khi bận rộn, bẵng đi 10 năm, ông chẳng đả động gì đến viết lách. Đến năm 1999, sau khi gom góp được nhiều tư liệu quý, ông mới đi đăng ký xin cấp phép xuất bản và năm 2000 cuốn sách chính thức ra đời.

Một trong những lý do mà cuốn sách làm lâu như vậy là do ông chăm chút từng cái chú thích và tự dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Có khi, ông tìm được ảnh tư liệu, nhưng vẫn chưa tìm được cái minh họa cho phù hợp, thế là lại phải đi tìm kiếm thêm. Bởi các cuốn sách ảnh của ông không chỉ có ảnh, mà còn có tranh minh họa và đôi khi ông còn dẫn giải hoặc chú thích bằng những câu thơ, kiểu như “Trải qua một cuộc bể dâu/ Trăm năm đế bá công hầu là ai?”.

Có giá trị nhất trong cuốn “Việt Nam: Cuộc chiến 1858-1975”, theo ông Cần là những bức ảnh do người Pháp chụp mà ông sưu tập được. Theo giải thích của ông, lúc đó, máy ảnh mới ra đời, chất lượng hình không tốt. Sau khi chụp được bức ảnh có hình mờ nhạt, họ lại nhờ họa sỹ dựa trên bức ảnh đó sửa lại đường nét, nên ảnh trông như tranh.

Giờ có ô tô, xe máy, nhưng ông Cần vẫn trung thành với phương tiện truyền thống: đi bộ hoặc đi xe đạp. Ông bảo, chính nhờ đi bộ, ông mới tìm kiếm được nhiều thứ hay hay, chứ đi xe máy, ô tô cứ vèo vèo, chả nhìn thấy gì.

Thấy cuốn sách này có khá nhiều tư liệu về lính Mỹ và cũng được nhiều người Mỹ mua, ông Cần nghĩ ngay đến việc gửi tặng tổng thống Bill Clinton một cuốn. Ông thật thà: “Tôi chả quen gì ông ấy đâu, tôi nghĩ là ông ấy sẽ muốn xem. Tôi mang cuốn sách ra bưu điện gửi, đề là “ Kính gửi:  Tổng thống Mỹ Bill Clinton”. Nhân viên bưu điện yêu cầu địa chỉ, ông chỉ ghi: Nhà Trắng.

Một tháng sau, khi ông Cần đang ngồi trong nhà, đang mặc quần đùi, áo may ô, thì có một người gõ cửa vào, ăn mặc lịch sự, có người đằng sau bê cái hộp rất to, nói: “Tôi là nhân viên bưu điện, nhận được lệnh chuyển quà đến tận nhà cho ông theo nghi thức trang trọng nhất”. Đó là một cuốn sách do ông Bill Clinton viết gửi tặng ông, kèm cả lá thư cám ơn. Đó là khoảng năm 2001, trước thời điểm Bill Clinton sang thăm Việt Nam lần đầu tiên.

Rồi ông cũng cho biết, sau khi ra sách rồi, ông còn gặp khá nhiều rắc rối, thậm chí còn bị một nhiếp ảnh gia kiện ra tòa án 2 lần có liên quan đến bản quyền, nhưng ông đều thắng cuộc vì người kiện đuối lý. Lần thứ nhất, người kiện khăng khăng rằng bức ảnh của ông ấy chụp và chưa đăng ở đâu. Ông Cần trình ra cuốn tạp chí Ba Lan có đề rõ ngày tháng đăng bức ảnh và không có tên tác giả. Người đó thua cuộc. Lần thứ hai, nhiếp ảnh gia này lại đâm đơn kiện vì bức ảnh của ông bị xén bớt, biến ảnh ngang thành ảnh dọc. Ông Cần trình tờ tạp chí Hungary cho tòa xem thì thấy bức ảnh đó y hệt như bức ảnh ông dùng trong sách. Thật ra, hồi đó luật bản quyền không chặt chẽ như bây giờ…

Tính đến nay, ông Cần đã ra hơn 20 đầu sách lớn nhỏ, được nhiều nhà sử học ghi nhận, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao các sưu tập của ông Cần. Các cuốn sách tiêu biểu có thể kể đến: "Việt Nam qua 700 hình ảnh" (1992); "Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ (1994); "Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp" (1997); Việt Nam cuộc chiến 1858-1975 (2000); "Bách khoa toàn thư Hà Nội - Việt Nam" (2000); "Văn hóa Việt Nam qua bưu ảnh cổ (2001),  "Người chiến binh cuối cùng của Phong trào Cần Vương", "Việt Nam xưa qua 4.000 bức tranh-ký họa"...

Riêng cuốn “Việt Nam: Cuộc chiến 1858-1975” của ông đã được tái bản hai lần, lần nào cũng hết veo, với số tiền thu về hơn một tỷ đồng. Trêu: “Vậy là ông đã trở thành tỷ phú rồi”, ông cười: “Tỷ phú quái gì đâu. Nó chẳng đủ cho tôi tiền hút thuốc lá trong ngần ấy năm lao động không công”.

Ảnh: Lê Bích.

Tư liệu từ giấy lót nồi, gói xôi

Cuốn “Việt Nam: Cuộc chiến 1858-1975”  ra đời được đánh giá là có nhiều tư liệu độc, lạ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, nhiều tư liệu quý ông Cần tìm được ở hàng đồng nát. Ông kể, có lần, nữ phóng viên của đài CNN tìm đến tận nhà phỏng vấn. Cô ấy hỏi: Bác đã có những tư liệu này như thế nào? Ông trả lời: Toàn từ đống giấy báo đồng nát thôi.

Hôm ông đi ăn phở ở phố Khâm Thiên, thấy chủ hàng phở xé mấy tờ báo định lót xoong nồi, ông thoáng thấy có cái ảnh đẹp, bèn ngỏ ý xin. Ông hàng phở cho luôn. Tờ báo đó có bức ảnh về trận đánh Phú Xá ở bờ sông Hồng (thành Sơn Tây). Ông Cần khoe: “Tờ báo đó có bức ảnh đẹp lắm, có hình ảnh lính Pháp trông như lính cậu, mặc váy. Sau đó tôi đưa bức ảnh vào sách, nên có người trêu, đây là sách kê đáy nồi”.

Ông thật thà: “Nói sưu tầm cho oai, chứ thực ra là ảnh tìm người, chứ mình cố tình đi tìm thì chưa chắc đã được và cũng không biết tìm ở đâu. Trong họ nhà tôi, các cháu và bạn bè, ai cũng biết tôi lẩm cẩm, hay sưu tầm linh tinh, nên cứ đi đâu thấy có sách báo gì lạ là mua về tặng tôi nhiều lắm. Tôi có mấy người cháu học ở bên Pháp, khi đi chơi dọc bờ sông Seine, có ghé qua hàng sách báo cũ, mua cho tôi mấy quyển báo. Tình cờ, tôi tìm được bức tranh rất quý. Đó là bức tranh do phái đoàn ngoại giao Triều Tiên sang thăm Việt Nam và vẽ lại xã hội Việt Nam lúc bấy giờ (thời Lý). Bức tranh gốc được lưu giữ tại bảo tàng Pháp”.

Cuốn “Việt Nam: Cuộc chiến 1858-1975”, ông Cần dự định sẽ tiếp tục tái bản lần thứ ba, trong đó, ông sẽ bổ sung thêm chương về những cuộc chiến tranh sau 1975.

Ông bảo, ngày xưa làm gì có Internet tiện lợi như bây giờ, nên việc tìm kiếm khá khó khăn. Nhưng cho dù bây giờ có Internet, ông Cần cũng không biết tra Google. Ông bảo, từ thuở bé đến giờ, ông không biết sử dụng các thiết bị hiện đại. Đến TV cũng không biết mở, toàn phải nhờ con cháu mở giúp. Mỗi khi định làm về chủ đề gì đó, ông bày tư liệu ra khắp nhà, rồi tìm ý, tìm tứ, chắp nối chúng lại ra sao. Khi hăng lên, ông làm việc như lên đồng, quên ăn, quên ngủ.

Ông Google kiểu cổ

Họa sỹ Đỗ Đức người biên tập cuốn sách “Việt Nam: Cuộc chiến 1858-1975” (NXB Văn hóa- Dân tộc) nhận xét, bây giờ có thể tìm kiếm tư liệu một cách dễ dàng nhờ có Internet, chứ ngày xưa lấy đâu ra. Từ hơn 10 năm trở lại đây, tạp chí Heritage (Di sản) muốn tìm hiểu về Việt Nam thời Đông Dương thì chỉ có tìm đến ông Cần. Theo họa sỹ Đỗ Đức: “Ông Cần là người cẩn thận, có tri thức, có ngoại ngữ tốt và rất quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình. Ông làm sách không phải vì tiền. Ông Cần là ông Google số 1 của Việt Nam trước khi có công nghệ thông tin hiện đại”.

Còn nhiếp ảnh gia Lê Bích, người luôn đắm đuối với các làng nghề cổ, cho biết anh học được từ ông Cần rất nhiều. Mỗi khi cần tìm tư liệu về các làng nghề cổ xưa, anh thường qua nhà ông Cần xin tư liệu và hay được ông hỗ trợ. Anh cũng cho biết thêm, ông Cần có quyển sách của Pháp về làng nghề Việt Nam quý lắm. Bộ ảnh về hoa thủy tiên của Lê Bích cũng được hoàn thành nhờ vào tư liệu của ông Cần. Qua tư liệu cổ đó, Lê Bích mới thấy hóa ra thời xưa người chơi hoa thủy tiên khác bây giờ, không phải cứ hoa to là đẹp.