Công trình chống ngập 10 nghìn tỷ có nguy cơ ‘chết chìm’

TPO - Vướng giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thời hạn tái cấp vốn khiến cho siêu dự án chống ngập tại TPHCM có nguy cơ “chết chìm” trước vạch về đích.

Trong khi đó, những ngày qua, triều cường liên tục dâng cao khiến nhiều khu vực thấp trũng ở TPHCM bị ngập nặng, gây khó khăn cho việc đi lại và làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân.

Mỏi mòn chờ dự án nghìn tỷ

Sáng 2/11, theo ghi nhận của Tiền Phong, triều cường ở TPHCM đã bắt đầu xuống nhưng chậm và vẫn còn xấp xỉ mức báo động II. Trước đó vào tối 19/10, triều cường ở TPHCM đã lập kỷ lục mới. Mực nước đo được tại trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) là 1,71 m.

Triều cường dâng cao đã gây ngập nặng nhiều tuyến đường, khu vực thấp trũng.

Nhiều tuyến đường ven sông, rạch, khu vực có địa hình thấp như Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương, Thảo Điền, Lương Định Của (quận 2); Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tất Thành (quận 4); Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Phú Định, Phạm Thế Hiển (quận 8), Bình Qưới (quận Bình Thạnh); Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Quốc lộ 50, Phạm Hùng (huyện Bình Chánh)… bị ngập nặng, có đoạn sâu gần nửa thước.

Nước dâng cao khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập nước khá khó khăn, chật vật. Nhiều xe hai bánh bị chết máy. Vừa đẩy xe qua đoạn đường Tôn Thất Thuyết bị ngập, ông Nguyễn Văn Việt (ngụ phường 1, quận 4) bức xúc: "Tôi chở cháu đi học ngang qua đây, thấy nước trên đường tưởng là không sâu lắm nên chạy qua, không ngờ nước ngập qua ống pô. Xe chết máy, tôi phải gọi xe ôm đưa cháu đến trường cho kịp giờ, còn mình tôi đẩy bộ tìm chỗ sửa xe".

Triều cường còn 'tấn công', gây ngập nhiều nhà dân khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Hai ngày qua, vợ chồng ông Vũ Sơn Hải, chủ quán phở Hà Nội trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) hì hục kê tài sản, vật dụng, đồ đạc trong nhà lên cao và thay phiên nhau bơm nước từ trong nhà ra đường. Phía trước nhà, ông bà đã cho xây một bức tường bằng bê tông để chắn nước từ con hẻm tràn vào nhà nhưng vô ích vì nước kênh đen thui vẫn trào lên từ miệng hố ga thu nước trong nhà.

“Mấy bữa nay quán nghỉ bán. Hai vợ chồng lo dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sau khi nước rút đi. Ngập như vầy, có bán cũng không ai dám vào quán ăn. Không hiểu sao cái dự án kiểm soát triều gì đó thành phố cứ thất hứa hoài, để người dân nhiều năm qua khổ sở vì triều cường” - ông Hải bức xúc.

Triều cường dâng cao gây khó khăn trong việc đi lại và làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở TPHCM trong mấy ngày qua

Công trình họ... hứa

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” được khởi công từ tháng 6/2016 với tổng kinh phí đầu tư hơn 9.926 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019 sau 36 tháng thi công. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về thủ tục thanh toán khối lượng công việc hoàn thành, dự án buộc phải ngưng thi công trong gần một năm để tháo gỡ vướng mắc. Vì vậy, công trình không thể về đích đúng kế hoạch ban đầu.  

Với sự nỗ lực của lãnh đạo TPHCM, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư, dự án khởi động lại và được thành phố chọn là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của lãnh đạo một số địa phương, khu vực dự án còn 36 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, tại huyện Nhà Bè, một công ty Kho cảng xăng dầu xây dựng công trình không phép trên sông, chồng lấn lên tuyến đê kè 2 của dự án kiểm soát triều. Lãnh đạo các quận huyện cam kết sẽ vận động người dân và hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng chậm nhất là vào đầu tháng 6/2020.

Đại diện nhà đầu tư cho biết đã chuyển tiền bồi thường cho các hộ dân và một số tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cho chính quyền các địa phương thực hiện. Nếu mặt bằng được bàn giao vào đầu tháng 6 như kế hoạch của các quận, huyện thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020.

Tuy nhiên, đến thời hạn quy định, các quận huyện lại tiếp tục xin lùi thời gian bàn giao sang tháng 8 và… đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có mặt bằng trống để triển khai thi công những hạng mục cuối cùng. 

Đại diện nhà đầu tư còn cho hay đến thời điểm này, dù đã được Ngân hàng Nhà nước gia hạn cho vay nguồn vốn ưu đãi thêm 1 năm và UBND TPHCM đã có nhiều văn bản quyết liệt chỉ đạo nhưng do vướng nhiều thủ tục, đặc biệt là ký phụ lục hợp đồng từ các sở ban ngành chậm trễ nên thời hạn tái cấp vốn của Ngân hàng cho dự án chống ngập này đã hết và đang tiếp tục xin… gia hạn.

“Dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng đang có nguy cơ “chết chìm” trước vạch về đích” - đại diện nhà đầu tư thừa nhận.