Cổng thông tin tuyển sinh chung 2017: Thường trực nỗi lo nghẽn mạch

TP - Theo quy chế tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT vừa đưa, sẽ có cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để giúp các trường lọc ảo. Liệu phần mềm của Bộ GD&ĐT có thể chịu được cơ sở dữ liệu lên đến hàng triệu lượt thí sinh hay không, trong khi Bộ cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng.

Theo một chuyên gia giáo dục, năm 2017, nếu tuyển sinh đại học (ĐH) 2017 theo đúng quy chế đã được Bộ GD&ĐT ban hành thì rất tốt. Nhưng có hai vấn đề mà vị chuyên gia này băn khoăn là chuẩn hóa dữ liệu và giải pháp kỹ thuật. Về chuẩn hóa dữ liệu, vị chuyên gia này cho rằng do Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên rất có thể sẽ có những thí sinh đăng ký đến 100 nguyện vọng. “Vậy khi chạy phần mềm, nếu máy móc chờ phần mềm chạy hết nguyện vọng của thí sinh này cũng mất rất nhiều thời gian. Do đó, với những thí sinh này cần phải đưa ra xét tuyển riêng” – vị chuyên gia đề xuất.

Vị chuyên gia này cũng cho hay, năm 2016, được biết, nhóm GX có 12 trường và chỉ có khoảng 70.000 lượt nguyện vọng xét tuyển đã phải chạy dữ liệu trắng một đêm. Năm 2017, cả nước là một nhóm xét tuyển lớn, số lượt nguyện vọng lên đến hàng triệu thì Bộ GD&ĐT cần bao nhiêu thời gian để chạy?

Lo lắng thứ hai của chuyên gia này đó là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật. “Sau khi thi xong, tháng 7 Bộ cho phép thí sinh điều chỉnh online một lần thì không biết phần mềm của Bộ có chịu được tải không. Năm 2016, 50% số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sinh chủ yếu nộp qua bưu điện và trực tiếp, nhưng năm nay nếu tất cả đều là online thì chưa ai nói trước được điều gì” - vị chuyên gia nói.

Trước đó, trả lời PV Tiền Phong về sức tải của hệ thống, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT  khẳng định việc đăng ký xét tuyển trước khi thi cũng giúp hạn chế những sai sót trong thông tin đăng ký vì thí sinh có thời gian để kịp thời sửa chữa sai sót khi ĐKXT. Sau khi có kết quả thi, các em được phép thay đổi nguyện vọng phù hợp kết quả thi của mình để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Bộ GD&ĐT đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện  kỹ thuật, nhất là hệ thống CNTT, mạng máy tính để thực hiện trôi chảy công việc này, đảm bảo hệ thống thông tin hoạt động thông suốt, không xảy ra tắc nghẽn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng năm nay, vấn đề tuyển sinh không thuộc “quyền” của cục Khảo thí mà đã được Bộ GD&ĐT giao cho Vụ Giáo dục ĐH của Bộ.

Nhóm GX vẫn xét tuyển riêng

Cũng trong quy chế thi 2017, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ có cổng thông tin tuyển sinh chung để giúp các trường lọc ảo. Như vậy, có thể hiểu, cả nước là một nhóm xét tuyển lớn. Liên quan đến số phận của nhóm GX trong năm 2017, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhóm GX vẫn tổ chức xét tuyển theo nhóm và dự định sẽ kêu gọi thêm một số trường ĐH nữa tham gia.  “Năm nay có thuận lợi là nhóm GX chỉ việc lấy gói dữ liệu của Bộ GD&ĐT về  rồi chạy trên phần mềm của trường ĐH Bách khoa nên không có nhiều khó khăn như năm 2016” – ông Điền cho biết. Đặc biệt theo ông Điền, dù cả nước là một nhóm tuyển sinh lớn thì khi tham gia vào nhóm GX, vẫn có nhiều cái lợi. Thứ nhất là số liệu được chuẩn hóa, không còn tỷ lệ ảo như năm 2016 do năm nay, thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất. Thứ hai, khi đưa về nhóm nhỏ, các trường sẽ rất thuận lợi để điều chỉnh tiêu chí phụ cũng như xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Ông Nguyễn Phong Điền cho biết, sắp tới, các trường trong nhóm GX sẽ họp để đưa ra phương án cuối cùng trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển.