Công cụ do thám tội phạm hữu dụng nhưng đầy tranh cãi

Có vai trò trung tâm trong việc phát minh Internet, lại là nơi có các công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, Mỹ trở thành nước có khả năng vượt trội, bỏ xa các quốc gia khác trong công nghệ do thám trên toàn cầu.
“Điệp viên bầu trời” PSS có thể giám sát một vùng rộng lớn.

Theo các chuyên gia tình báo, nhờ có Thung lũng Silicon, Mỹ đã giành được vị trí siêu cường về do thám. Các gián điệp Mỹ tiếp cận các núi dữ liệu khổng lồ, được thu thập bởi các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới, truyền thông xã hội và các công ty lưu trữ trực tuyến nhờ hàng loạt phương tiện tối tân nhất. Nhưng cũng từ đây, tranh cãi bắt đầu xuất hiện, nhất là trong bối cảnh quyền tự do riêng tư của chính người dân luôn ở trong trạng thái… treo lơ lửng!

Điệp viên bầu trời


Các vụ giết người “không dấu vết” xảy ra hầu như mỗi ngày ở Mỹ - và khi không có nhân chứng, rất khó khăn và tốn kém để buộc tội thủ phạm. Nhưng giờ đây, một công ty tuyên bố đã có câu trả lời cho vấn đề này khi vừa phát triển cách giám sát toàn bộ khu dân cư, sử dụng công nghệ được phát triển trong các cuộc chiến gần đây ở Iraq và Afghanistan. Đó là “Hệ thống giám sát liên tục” (PSS) - còn được gọi là “điệp viên bầu trời”. 

Bằng cách sử dụng máy bay không người lái đặc biệt bay khắp thành phố, để ghi lại tất cả những gì đang xảy ra trên mặt đất trong khu vực rộng 64,7km2. Với 12 máy ảnh độ phân giải cao, bức tranh ghép tạo thành bản đồ Google Earth, được máy bay gửi về để phân tích. 

“Độ phân giải không đủ cao để xác định người nào đó là ai, người xuất hiện đơn thuần như điểm ảnh màu xám trên màn hình”, Ross McNutt, cựu sĩ quan không quân và là Chủ tịch công ty sáng tạo PSS, cho biết. Tuy nhiên, điểm ảnh là quá đủ cho việc theo dõi chính xác sự di chuyển của một người.

Khi PSS cho các máy bay hoạt động tại Compton (California) vào đầu năm 2014 trong 9 ngày, nó ghi lại nhiều vụ giết người, cướp của và nhiều tội ác khác.

Bằng cách kết hợp các khung thời gian của dữ liệu, các nhà phân tích và cảnh sát có thể xác định thời điểm phạm tội. Sau đó họ có thể theo dõi nơi nghi phạm đến trước và sau thời điểm phạm tội. Trong thời gian thử ở các khu vực như Dayton, Ohio, Compton, và Mexico, PSS đã chứng kiến 34 vụ giết người.

Trong khi lực lượng cảnh sát rất hào hứng với viễn cảnh tiếp cận công nghệ cao này,  thì các nhà vận động nhân quyền xem đó là mối đe dọa cho quyền tự do của công dân. PSS không chỉ nhìn thấy những vụ giết người và những tên tội phạm, các máy ảnh còn chụp lại cảnh đường phố, cũng như sân sau của những ngôi nhà, nơi xảy ra các hoạt động hàng ngày.

Dù lấy lý do độ phân giải thấp, PSS không thể xoa dịu những người cho rằng, công nghệ này là mối đe dọa đối với quyền tự do dân chủ của người dân. Khi cảnh sát kiểm tra hệ thống tại Compton, người dân không được thông báo. 

Chính những hoạt động như vậy, khiến người dân mất lòng tin vào cảnh sát. Nhưng PSS khẳng định tuân thủ chính sách bảo mật nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ các nhà phân tích.“Chúng tôi chỉ theo dõi những người có liên quan đến tội phạm”, ông McNutt nói. 

Tuy nhiên, ông McNutt cho rằng, PSS nỗ lực để giải quyết những mối quan tâm lớn hơn. Phía công ty đã xin ý kiến của Liên hiệp Tự do Dân sự Mỹ và được chấp thuận, thậm chí được Liên hiệp đánh giá cao những ứng dụng thực tiễn mà PSS đang đem lại cho ngành điều tra. Trên thực tế, PSS chính là một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tội phạm.

Do thám nhờ tháp di động giả

Một trong những công nghệ gây tranh cãi nhất đó là “hiện tượng” do thám mới StingRay, được ngụy trang dưới vỏ bọc một thiết bị di động tinh tế có khả năng dò tìm các tín hiệu điện thoại bên trong ôtô, nhà cửa và cả những tòa nhà được bảo vệ bằng chất liệu cách ly đặc biệt. 

Thiết bị này hoạt động như một tháp điện thoại di động giả cho phép các nhà điều tra cảnh sát định vị chính xác điện thoại mục tiêu, đồng thời thu thập dữ liệu về tin nhắn hay thư điện tử từ các nghi can.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan thực thi pháp luật cho biết StingRay hiện được sử dụng để dò tìm điện thoại di động trong những vụ án ma túy trên khắp nước Mỹ mà không cần giấy phép tòa án. 

Và, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thừa nhận: “Nếu một thiết bị không thu thập nội dung của một cuộc gọi điện thoại đặc biệt thì nó không cần đòi hỏi giấy phép”. 

Nhưng, các nhóm nhân quyền và bảo vệ quyền riêng tư trong lĩnh vực điện tử và thậm chí một số thẩm phán liên bang cũng cảnh báo công nghệ mới vi phạm nhân quyền. Những người chỉ trích cho rằng, việc sử dụng không kiểm soát thiết bị do thám StingRay có thể đe dọa nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người sử dụng điện thoại di động khi dữ liệu của hàng ngàn người dùng điện thoại khác trong khu vực bị thu thập.

StingRay được đặt trong chiếc xe tải bình thường để mô phỏng tháp phát sóng di động giúp định vị chính xác bất cứ thiết bị di động nào trong phạm vi hoạt động của công cụ và tiến hành nghe lén cũng như thu thập thông tin.

Trên thực tế, StingRay có thể “ăn trộm” thông tin về nhiều số điện thoại di động và do đó nghe lén cả những công dân vô tội có mặt gần vị trí của nghi phạm. Chính điều đó khiến các nhóm nhân quyền lo ngại một số đặc vụ FBI sẽ lạm dụng StingRay mà vi phạm quyền riêng tư của người dân. Các nhóm nhân quyền còn cảnh báo một vấn đề đáng quan ngại khác nữa. 

Việc sử dụng StingRay cho phép các nhà điều tra liên bang tránh né các thủ tục cần thiết để được phép khai thác cơ sở dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Sprint, AT&T, Verizon, T-Mobile và Comcast. Không giống như việc mua dữ liệu từ các công ty viễn thông, việc sử dụng StingRay không để lại bằng chứng giấy tờ để điều tra.

Thật ra, việc sử dụng công nghệ gián điệp đã có ít nhất 20 năm qua. Năm 2009, trong một vụ án ở bang Utah, một đặc vụ FBI cho biết cơ quan sử dụng StingRay đến hơn 300 lần trong suốt trên một thập niên và khẳng định công nghệ còn được sử dụng hàng ngày bởi các đặc vụ của Sở Mật vụ và các cơ quan liên bang khác, thậm chí cả quân đội Mỹ. 

Nên nhớ rằng, các thiết bị gián điệp chỉ được âm thầm bán cho các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan chính quyền Mỹ. StingRay là một trong vài công nghệ được FBI cũng như các cơ quan liên bang khác sử dụng để gián điệp nghi phạm mà thường không có lệnh khám xét nơi ở của đối tượng, cho nên từ đó làm dấy lên cuộc tranh cãi về hiến pháp cho tới tận bây giờ.

Camera cá nhân gắn trước ngực cảnh sát Mỹ.

Camera cá nhân theo dõi… cảnh sát

Một thiết bị khác giúp cảnh sát điều tra dễ dàng truy tìm thủ phạm các vụ án mạng hơn chính là những chiếc camera cá nhân. Đó là một ống kính máy ảnh nhỏ xíu nằm trên một hộp đen nhỏ được gài ngay phía dưới khuy áo của bộ đồng phục của các nhân viên cảnh sát ở Ferguson, bang Missouri. 

Ý tưởng này ra đời sau cái chết của cậu học sinh Michael Brown, khi cậu bị tấn công bởi một băng nhóm tội phạm trước sự bất lực của cảnh sát vì… thiếu nhân lực.

Năm 2009, vụ cảnh sát nổ súng bắn chết anh Oscar Grant đã được nhiều nhân chứng tại ga tàu điện ngầm Fruitvale ở Oakland, California, ghi hình lại. Nhưng nó đã không ngăn được tranh cãi về vấn đề liệu viên cảnh sát có phạm tội sát nhân hay không hoặc chỉ là một vụ ngộ sát. 

Năm 1992, những vụ bạo động đã bùng phát sau khi bồi thẩm đoàn Los Angeles đã tuyên bố trắng án 4 nhân viên cảnh sát trong vụ cảnh sát đánh Rodney King, bất kể đến đoạn phim cảnh sát đánh ông ở nhà đã được quay bởi một người ngoài cuộc. Điều này làm dấy lên một câu hỏi: một vụ xung đột sẽ được nhìn ra sao từ chiếc camera cá nhân của cảnh sát Mỹ?

Chiếc camera mang trên người đã được thử nghiệm để sẵn sàng triển khai cung cấp cho cảnh sát trong nước, nhằm củng cố lại nhân tâm từ tình trạng bất an sau cái chết của Brown và những người khác, qua sự kiện mà một số người thường gọi là mùa hè của người da đen không vũ trang. 

Bằng cách tạo một ghi nhận có tính chính xác cao về những vụ xung đột nơi công cộng, nhà chức trách muốn gia tăng tính minh bạch đối với cảnh sát đang thi hành công vụ. 

Một cuộc nghiên cứu về khu vực ngoại ô Rialto ở Los Angeles cho thấy camera này đã hỗ trợ công tác phá án, làm giảm phạm vi tác động bạo lực cảnh sát cũng như con số những lời than phiền về sự tàn bạo.

Tuy nhiên, người dân muốn sử dụng loại camera này như một công cụ giám sát chính lực lượng an ninh. Họ luôn đề phòng những trường hợp cá biệt xảy ra khi cảnh sát “phân biệt chủng tộc”, và vô tình hay hữu ý, cướp đi sinh mạng của những người vô tội. 

Nhiều người trong vùng Ferguson với phần lớn là người da đen, họ không quan tâm đến chuyện những cảnh sát da trắng sẽ hành xử với thái độ trung lập. “Nếu cảnh sát Ferguson muốn quay phim tội phạm hay chúng tôi – những người vô tội, chúng tôi cũng sẽ quay phim lại họ để bảo đảm công bằng”, công dân David Whitt nói. 

Anh Whitt hiện đang sử dụng một camera do nhóm We Copwatch (Chúng tôi giám sát cảnh sát) cung cấp. Nhóm này đã gây quỹ được 6.000 USD qua mạng internet để cung cấp cho một số người dân ở Ferguson các camera cá nhân. Đoạn phim đầu tiên của Whitt, đã đăng lên trang mạng YouTube, cho thấy sự xuất hiện của một vài cảnh sát tuần tra trong khu vực nhưng không có vụ xô xát nào xảy ra!?

Theo Trần Anh Quân
Theo An Ninh Thế Giới