Những ngày qua, dư luận "dậy sóng" với nhiều ý kiến trái chiều về cuốn “Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão” vì cuốn hồi ký này kể quá nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của nam diễn viên này với nhiều người phụ nữ. Nhiều người cho rằng, việc kể những câu chuyện mà nhiều người phụ nữ từng dính líu đến cuộc đời Thương Tín muốn giấu kín sẽ làm họ tổn thương hoặc bị ảnh hưởng.
Trước sự việc này, anh Bùi Thanh Tùng (sinh năm 1978 là con trai nghệ sĩ Thương Tín với người vợ đầu), nhân vật được nhắc đến trong cuốn Hồi ký này đã có những chia sẻ thật lòng về những điều mình từng chứng kiến để rộng đường dư luận.
Những ngày qua, chắc anh nghe dư luận nhắc nhiều đến cuốn Hồi ký của ba anh chứ?
Dạ đúng! Tôi có đọc nhiều bài báo viết về cuốn Hồi ký của ba tôi. Mấy hôm nay phóng viên của nhiều tờ báo cũng gọi điện cho tôi hỏi nhiều về vấn đề này.
Có một người cha nổi tiếng trong nghệ thuật, anh biết điều này từ khi nào?
Lúc ấy tôi còn nhỏ, học tiểu học thôi. Tôi đến lớp thì cô giáo và các bạn bảo tôi, ba tôi là diễn viên Thương Tín đóng phim “Ván bài lật ngửa” và “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng lắm. Lúc ấy, tôi rất tự hào về ba. Những kỳ nghỉ hè tôi được ba đón lên ở cùng trên khu tập thể của đoàn kịch, tôi chứng kiến sự yêu mến của người hâm mộ dành cho ba rất lớn. Những lá thư tay gửi đến ba nhiều vô kể, xếp chật ngăn kéo, đựng đầy trong những chiếc bì rất lớn. Ba đọc không xuể đâu, thư gửi về ngày một nhiều, căn phòng nơi ba ở càng trở nên chật chội vì nơi nào cũng thấy một chồng thư của người hâm mộ. Ba lúc ấy đi diễn tối ngày, tôi thường ở nhà một mình và chơi với những bức thư ấy. Tôi nhớ khi ấy tôi 7 tuổi.
Tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương của ba mẹ, do ba mẹ anh li hôn sớm. Anh khi sống ở quê nội, khi sống với mẹ. Có khi nào anh nghĩ ba mẹ anh li hôn là do ba anh quá đào hoa không?
Tôi không trách ba tôi vì mẹ tôi sau khi ly hôn với ba cũng đã tái giá và có cuộc sống riêng của mình với dượng. Hồi nhỏ, tôi không dám hỏi ba mẹ vì sao ba mẹ bỏ nhau nhưng tôi cũng biết mẹ tôi rất hay ghen. Ba tôi thì có nhiều bóng hồng vây quanh.
Ba mẹ không thấy hạnh phúc khi ở bên nhau nữa thì chia tay là tốt hơn cho cả hai người. Hiện giờ, mẹ tôi đã sang Mỹ sống. Cuộc sống của ba tôi cũng khá vất vả và nhọc nhằn mưu sinh ở tuổi 60 với cuộc sống mới bên vợ trẻ, con thơ. Tôi rất hiểu ba đang vất vả, cố gắng lắm để không lệ thuộc nhờ vả người khác.
Anh đã đọc cuốn “Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão” của ba anh chưa? Anh nghĩ sao khi ba anh bị dư luận chỉ trích nặng nề vì những sự thật được tiết lộ trong cuốn Hồi ký?
Tôi đã đọc cuốn Hồi ký của ba rồi. Tôi có gọi sang Mỹ cho mẹ và hỏi mẹ những chi tiết liên quan đến mẹ trong cuốn Hồi ký, mẹ nói những điều ba kể trong hồi ký hoàn toàn là sự thật. Đó là kỷ niệm buồn trong cuộc đời của mẹ dù nó đã trôi qua lâu lắm rồi. Mẹ tôi, thi thoảng vẫn hỏi thăm tôi về ba, xem ba dạo này ra sao? Cuộc sống mới thế nào? Biết ba tôi vất vả, mẹ tôi im lặng không nói gì thêm nữa.
Tôi rất buồn vì dư luận chỉ trích ba tôi nói ra những sự thật trong cuốn Hồi ký. Con người ba tôi sống chân thật, hào phóng với bạn bè và sống rất biết điều với phụ nữ. Trong cuốn Hồi ký, đúng là những người phụ nữ ấy đã gắn bó cuộc đời với ba tôi, những điều xảy ra đáng tiếc không chỉ cho riêng một ai.
Ví dụ như cô Hồng Nhung, ba tôi cũng xác định gắn bó với cô lâu dài nên mong có đứa con để gắn kết nhưng cô không muốn có con nên đành chịu. Mỗi khi cô Nhung về nước vẫn gặp ba tôi để hàn huyên kỷ niệm xưa. Cô Nhung hiểu tính ba tôi mới sống cùng ba tới 10 năm (1986 -1996). Hiện giờ tôi được biết cô vẫn độc thân, đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam.
Tôi tin cô hiểu cuốn Hồi ký ba viết, nhắc đến cô là nhắc đến một quãng đường đáng nhớ trong đời, đáng luyến tiếc trong đời như một bài học cuộc sống mà một người đi quá nửa đời người như ba nhìn lại để chiêm nghiệm. Nếu ba không coi cô như một phần quan trọng trong đời, ba đã không kể trong cuốn Hồi ký ấy.
Ba anh luôn day dứt vì không thể giúp đỡ anh trong sự nghiệp ca hát vì đúng lúc này ba anh rơi vào cảnh khó khăn. Anh có khi nào trách ba anh không?
Đúng là tôi không được sống bên cạnh ba nhiều như những đứa con khác, để cảm nhận về tình phụ tử thật sâu sắc như những ai có may mắn đó. Nhưng tôi không trách ba, nhất là khi tôi đã trưởng thành và có gia đình riêng của mình. Ba tôi cũng có nỗi khổ riêng là bây giờ vẫn phải làm việc quần quật trên phim trường để kiếm tiền nuôi con gái nhỏ. Từ khi ba có con gái nhỏ, tôi mừng cho ba. Bởi em gái nhỏ của tôi chính là động lực, là niềm vui sống cho ba trở lại với nghệ thuật.
Ba tôi cũng nhờ bạn bè giúp tôi về thanh nhạc và tìm show cho tôi. Tôi hát dòng nhạc bolero vì thế cũng kén show.
Trở lại về cuốn Hồi ký của ba anh, nếu như vì cuốn Hồi ký này mà xã hội quay lưng với ba anh, anh có trách ba anh không?
Ban đầu, tôi cũng có suy nghĩ: “Ba viết hồi ký để làm gì khi cuộc đời ba, vinh quang và cay đắng đã đủ cả rồi?”. Nhưng khi nghĩ lại tôi thấy cuộc đời ba có quá nhiều thứ cần phải giãi bày, phải viết để nhìn lại quãng đường mình đã đi qua mà suy ngẫm, coi nó như bài học cho chính cuộc đời mình. Chứ như tôi thì viết hồi ký có ai quan tâm mà đọc?
Khi biết có một luồng dư luận phản ứng, chỉ trích ba tôi, tôi có gọi điện cho ba nói với ba rằng: “Ba ơi! Những điều ba kể trong cuốn sách là sự thật. Cho dù ai đó có quay lưng với sự thật đó thì con vẫn luôn ở bên ba, ủng hộ ba. Ba cứ vững tâm lên, vì sự thật vẫn mãi là sự thật”.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.