Nhưng câu chuyện chính không chỉ là cuộc “giải cứu con tin”. Dù cuộc “giải cứu” thuộc dạng kỳ lạ chưa từng có trong sách vở. Khi không hề có cảnh quen thuộc là những toán đặc nhiệm lăm lăm tay súng, áo giáp chống đạn, lựu đạn cay, xe đặc chủng…. Mà ngược lại, tràn ngập cả hai bên là những nụ cười hể hả, tràng pháo tay, những bó hoa, bánh mì, nước uống…
Câu chuyện chính hôm qua ở Đồng Tâm là giải phóng niềm tin.
Là cuộc đối thoại trực tiếp của lãnh đạo thành phố với hàng ngàn người dân. Những người dân vốn bức xúc về đất đai từ nhiều năm qua, nay mâu thuẫn bùng phát đến đỉnh điểm, dẫn đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật, rào làng “cố thủ”. Họ đã chờ đợi cuộc đối thoại như thế này từ quá lâu.
Là bản cam kết cũng thuộc dạng “có một không hai” viết tay vỏn vẹn một trang vở học trò với chữ ký của Chủ tịch Chung và các vị đại biểu Quốc hội. Cam kết sẽ thanh tra một cách khách quan, đúng pháp luật câu chuyện đất đai tại địa phương. Cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm trong vụ giữ người. Cam kết chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Một trong những người ký vào bản cam kết là đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Với tư cách là nhà sử học, văn bản có tính lịch sử này hẳn sẽ trở thành một tư liệu
đặc biệt.
Câu chuyện chính hôm qua ở Đồng Tâm là về với dân.
“Về” theo nghĩa thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe cơ sở. “Về” theo nghĩa giám sát, nắm bắt chặt chẽ, công tâm và công khai mọi công việc tại từng địa phương. Nhất là khi có phản ứng từ phía người dân. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội từ trên xuống dưới, chứ không phải là việc riêng của ông chủ tịch hay các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chứ không phải chỉ về với dân khi sự việc bị đẩy đi quá xa như thế này. Nếu không muốn sẽ tiếp tục có những Tiên Lãng, Đồng Tâm tiếp theo.
Ám ảnh về những ụ chướng ngại vật dựng lên khắp đường làng ở Đồng Tâm suốt những ngày qua. Nhưng không bằng những “chướng ngại vật” do chính không ít quan chức tự tạo ra để ngăn cách mình với dân. Ngăn cách bằng địa vị, lợi quyền, thói quan liêu coi thường dân…
Những chướng ngại vật do dân làng dựng lên đã được chính họ tháo dỡ. Nhưng còn mọi chướng ngại từ phía công quyền, nếu không có cơ chế nhổ bỏ, ắt khó thể cứu vãn được niềm tin của dân.