Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng 7 giờ sáng nay (3/11), bão bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 450km về phía Đông,với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, tốc độ khoảng 20 km/h. Theo dự báo, bão sẽ ảnh đổ bộ vào khu vực đất liền từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận vào khoảng sáng sớm mai (4/11), với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc tây bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1m, sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao từ 5-7m, vùng ven bờ từ 2-4m.
Sáng sớm ngày 4/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Từ chiều và đêm nay (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.
Sơ tán gần 386.000 người
Trong khi đó, theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến sáng nay, Biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương đã thông báo, kiểm đếm hướng dẫn cho gần 79.200 tàu, với trên 385.900 lao động biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh.
Tuy nhiên, hiện trong vùng nguy hiểm, còn 40 tàu/308 lao động (trong đó của Bình Định 24 tàu/184 lao động; Bà Rịa-Vũng Tàu có 16 tàu/124 lao động. Hiện các tàu nhận được thông tin về bão và đang di chuyển về bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo kế hoạch, trong hôm nay, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tổng số người dự kiến di dời, sơ tán là 75.467 hộ/386.143 người.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trương Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương kêu gọi 40 tàu này ra khỏi nguy hiểm.
Các tỉnh nằm trong vùng dự báo bão vào phải thực hiện cấm biển và cho học sinh nghỉ học, không chủ quan để rủi ro tính mạng người dân; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, với hồ chứa phải vận hành đúng quy trình, các hồ xung yếu phải được giám sát chặt chẽ. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ phải di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm. Ông Cường cũng nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy địa phương thực hiện xả đúng quy trình các hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn cho hạ du.
Về sản xuất nông nghiệp, trọng điểm là thủy ản, ao nuôi, lồng bè phải có phương án, chằng chống không để thiệt hại (mưa, bão ập đến) hết sức chú ý đối với lĩnh vực chăn nuôi nhất là vùng úng trũng di dời đàn lợn, gia cầm đến vùng an toàn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cũng lưu ý các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão và tình hình mưa lũ đảm bảo an toàn cho tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.