Có nên làm đẹp bằng mọi giá?

Đây là cách đặt vấn đề của những chuyên gia thẩm mỹ, nhà văn hóa học, nhà mỹ học... trước việc một bộ phận người Việt trẻ đổ xô đi làm trắng da, nâng mũi, cắt mắt...

Có nên làm đẹp bằng mọi giá?

> Nâng cấp nhan sắc, con dao ba lưỡi
> Làm đẹp 'bằng mọi giá'

Đây là cách đặt vấn đề của những chuyên gia thẩm mỹ, nhà văn hóa học, nhà mỹ học... trước việc một bộ phận người Việt trẻ đổ xô đi làm trắng da, nâng mũi, cắt mắt...

Hình ảnh những sao Hàn đẹp ẻo lả đã góp phần khiến nhiều bạn trẻ VN đi sửa nhan sắc. Trong ảnh là những chân dung khổ lớn các sao Kpop trong một quán ăn tại TP.HCM . Ảnh: Thuận Thắng .

Ngoài những nguy hiểm tiềm ẩn về sức khỏe, việc cấp tốc làm đẹp “bất cần thân thể” còn khiến nhiều người âu lo khi người trẻ quá coi trọng ngoại hình - nhất là chuộng mốt đẹp theo chuẩn Hàn - mà bỏ quên những giá trị cốt lõi khác của con người.

“Cuồng” làm đẹp vì nhận thức lệch lạc về cái đẹp

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, làm đẹp là một trong những nhu cầu cơ bản của con người trong xã hội hiện đại. “Tuy nhiên hiện nay nhu cầu này thậm chí còn lấn át nhu cầu ăn uống, giữ sức khỏe... do quá nhiều người chuộng hình thức”, bà nói.

Còn theo GS.TS mỹ thuật học Nguyễn Xuân Tiến (phó hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật TP.HCM), cái đẹp của con người được đánh giá qua hai mặt thẩm mỹ đó là cái đẹp bên trong (đạo đức, trí tuệ...) và vẻ đẹp bên ngoài (vóc dáng, làn da, khuôn mặt...), nhưng thường vẻ bên ngoài được giới trẻ coi trọng hơn vì nó có sức hấp dẫn nhanh, trực tiếp đến người khác.

“Bên cạnh sự tác động của nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, chuộng hình thức lên ngôi thì một số bạn trẻ “cuồng” làm đẹp do có những hạn chế nhất định về trình độ nhận thức thẩm mỹ, bị ám ảnh vẻ đẹp của những người nổi tiếng, bị hiệu ứng đám đông tác động dẫn đến việc đổ xô làm đẹp khi chưa biết đâu là đẹp xấu”, GS.TS Tiến nói.

Dẫn chứng về việc nhiều bạn trẻ đang có nhận thức lệch lạc về cái đẹp, bạn Nguyễn Anh Phương (29 tuổi, quận 12, TP.HCM) kể về một cô bạn là cựu SV ĐH HUFLIT chọn cách nhuộm da nâu và tóc vàng để thể hiện sự khác biệt. “Ai mê da trắng tôi không biết, chứ tôi chỉ muốn có da nâu. Đối với người phương Tây cũng chỉ có da nâu là nhất”, cô bạn tuyên bố. Ngoài việc năng đi bơi và tắm nắng nhiều giờ trong ngày, cô bạn này cũng dùng cùng lúc nhiều loại kem bôi làm nâu hóa làn da vốn trắng trẻo của mình!

Miss Áo dài VN 2012 Vũ Ngọc Lam Phương.

“Đừng là manơcanh vô hồn!”

Đó là lời nhắn nhủ của tiến sĩ văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ (ĐHKHXH&NV TP.HCM) với các bạn trẻ mê muội làm đẹp bằng mọi giá. “Ngoài việc tốn tiền bạc, gây hại sức khỏe thì giới trẻ đã phung phí tâm trí và thời gian cho những thứ phù phiếm. Thời gian này lẽ ra được sử dụng vào chuyện học hành, lập nghiệp hoặc hưởng thụ văn hóa nghệ thuật làm giàu vốn sống...”, TS Thơ cho biết. Điều này, theo ông, dẫn đến việc giới trẻ trở nên trơ lì về cảm xúc, trái tim vô cảm khi tiếp cận các hiện tượng xã hội. Và ông cho rằng một xã hội được cấu thành bởi nhiều cá nhân như vậy sẽ là một xã hội thiếu chiều sâu, dễ bị lai căng giá trị, thiếu sức đề kháng trước các làn sóng văn hóa độc hại từ bên ngoài tấn công.

Là người có thâm niên hơn 17 năm trong lĩnh vực làm đẹp, bà Mã Đào Ngọc Bích (chuyên gia chăm sóc sắc đẹp) trăn trở: “Tham dự nhiều hội thảo thẩm mỹ ở nước ngoài, tôi thấy bạn bè quốc tế luôn đánh giá rất cao nét đẹp Việt. Tuy nhiên, họ cho rằng đại đa số giới trẻ Việt thích hướng ngoại nên dễ làm mất đi bản sắc riêng”.

Bà cho rằng một sắc đẹp chỉ được đánh giá cao khi hội đủ cả tính dân tộc và chủng tộc, còn một làn da đẹp đơn giản là một làn da khỏe và đều màu. Trong khi đó, theo bà quan sát, giới trẻ mê mẩn làm đẹp đến mức dễ dàng tin vào những lời quảng cáo bốc phét ở các sản phẩm làm trắng da, thẩm mỹ viện kém uy tín để rồi chuốc họa vào thân.

Việc gì phải làm “bản sao” của sao Hàn?

GS.TS Nguyễn Xuân Tiến cho rằng với những đặc điểm hình thể quy định sẵn cho người VN, đứng ở góc độ thẩm mỹ, bạn trẻ không nhất thiết phải dùng đến các biện pháp dao kéo, hóa chất để cải thiện sắc vóc. Còn theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, các bạn trẻ cần trang bị cho mình cái đầu hiểu biết, thức thời, trái tim có trách nhiệm, bao dung. Bởi cái đẹp bên ngoài, nếu may mắn được thiên phú, chỉ đập vào mắt người đối diện trong khoảnh khắc, chính cái đẹp bên trong mới khắc dấu ấn vào lòng người, lưu giữ ấn tượng một cách bền vững.

Bà Ngọc Bích cho rằng: “Người Việt chúng ta đã có sẵn ngoại hình cân đối, vẻ đẹp hài hòa. Điều cần làm thêm để cho đẹp hơn là chăm sóc ngoại hình đó sao cho đúng cách, chứ không phải chạy theo trào lưu, theo vẻ đẹp của dân tộc khác để tự biến thành một con người không còn là chính mình”.

“Việc gì phải trở thành “bản sao” của ngôi sao Hàn nào đó khi nét đẹp Việt đã làm say đắm lòng bao người? Tôi luôn rất tự hào với những nét thuần Việt của mình!”, bạn Vũ Ngọc Lam Phương - Miss Áo dài VN 2012, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - chia sẻ quan điểm.

Đứng trên phương diện mỹ học, ông Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ: “Chúng ta sống trong cộng đồng, vẻ đẹp của một người đương nhiên do người xung quanh đánh giá, quy định. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là mỗi người phải biết tự hài lòng, tự tin vào chính mình. Có vậy, người trẻ mới không mải chạy theo thị hiếu chung mà đánh mất bản sắc riêng.”

Cái đẹp không chỉ đến từ bề ngoài mà còn toát lên từ thần thái và cách ứng xử. Hãy luôn là chính mình, hoàn thiện bản thân và trau dồi cái đẹp cả trong lẫn ngoài. Tôi hâm hộ làn da hoàn hảo của sao Hàn và vóc dáng cao ráo của người phương Tây, nhưng tôi tự hào với nét đẹp thuần Việt của mình.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại