Cô giáo nuôi, dạy học trò trên đỉnh Ông Du

TP - Suốt mấy năm qua, bằng đồng lương giáo viên eo hẹp, cô giáo Đinh Thị Thiết đã vừa dạy vừa nuôi 18 em nhỏ Cadong ở độ tuổi lớp 1, lớp 2. Trên đỉnh núi Ông Du thuộc thôn Tu Mít, xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) có ngôi nhà ngói nhỏ đơn sơ - là mái trường, cũng là mái ấm của mấy cô trò…
Cô Thiết cùng các trò nhỏ nấu cơm sau giờ học. Ảnh: Xuyên Đức.

Vừa dạy, vừa nuôi

Khác với mọi năm, Sơn Tây tháng này chưa vào mùa mưa lũ, nên con đường đá chông chênh gần 3 km, nối Trường tiểu học Sơn Liên đến điểm trường lẻ thôn Tu Mít, xe máy vẫn còn “leo” được. “Thấy vậy nhưng chỉ cần một trận mưa lớn là phải đi đò qua lòng hồ thủy điện Đakrinh mới đến được trường”, thầy Nguyễn Ngọc Huề - Hiệu phó Trường tiểu học Sơn Liên vừa chạy xe máy, vừa tranh thủ trò chuyện cùng tôi.

Làng Tu Mít có ngót nghét chưa đến 20 nóc nhà, đồng bào chủ yếu là người Cadong. Cuộc sống người dân nơi đây còn rất khó khăn, điện nước đều thiếu thốn. Người dân chỉ bám vào nương rẫy để kiếm ăn qua ngày. Chạy xe máy vượt hơn nửa giờ đồng hồ trên con đường đầy đá cuội, chúng tôi mới đến được lớp học của cô giáo Thiết.

Trong căn phòng đơn sơ có dăm ba bộ bàn ghế, 4 em học trò Cadong quần áo úa màu, chân tay lấm lem bùn đất đang “ê a” đánh vần theo cô. Cũng như bao đứa trẻ nơi đây, 4 em nhỏ ấy đều sinh ra trong đói nghèo, thiếu thốn. Cha mẹ các em, có người nghiện rựơu bỏ bê con cái, có người quanh năm ở luôn trên rẫy. Cô Thiết bảo: “Ở làng Tu Mít này, trẻ em nào cũng có những hoàn cảnh như vậy. Vì vậy nên việc đi học của các em cũng đầy gian nan”.

“Tôi sinh ra trong gia đình người Cadong với 7 anh chị em, cũng đã trải qua nhiều gian khổ để đeo đuổi con chữ. Tôi thấu hiểu cái đói của những buổi sáng không có ăn, đi bộ hàng chục cây số đến trường. Vì vậy, tôi càng thương học trò, càng muốn các em phải đi học, để không phải sống với đói khổ, thất học suốt đời” - cô Thiết tâm sự.

Năm 2012, khi vừa tốt nghiệp hệ cử tuyển Trường ĐH Sư phạm Huế, cô Thiết được phân công về dạy ở đây. Kỷ niệm những ngày đầu, cô còn nhớ như in: “Lớp học năm ấy chỉ có 8 học trò, mà ngày nào cũng thiếu hơn phân nửa. Vì các em ở trên rẫy với cha mẹ, xuống trường rất xa nên cứ đi học theo kiểu “giã gạo”. Thế là sáng nào tôi cũng dậy từ tờ mờ, đi bộ 1-2 cây số lên rẫy, dẫn các em về trường. Sau đó, để giữ chân các em, tôi xin phụ huynh nhận các em về nuôi dạy ở trường luôn”.

Vậy là với đồng lương giáo viên eo hẹp, 3 năm qua, cô giáo Đinh Thị Thiết đã nuôi dạy cho 18 em nhỏ Cadong ở độ tuổi lớp 1, lớp 2. Căn phòng công vụ bên cạnh phòng học, rộng chưa đầy 15m2, là nơi ăn, chốn ở của mấy cô trò. Cô chia sẻ: “Dạy học cho các em ở độ tuổi này đã vất vả, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho các em còn khó khăn hơn, nhất là những khi cô, trò cùng đau ốm”.

Ở tuổi 32, chưa có gia đình nhưng cô Thiết đã là “người mẹ” thân thương của bao học trò. Không chỉ những ngày đi học, cuối tuần cô cũng chở học trò về nhà mẹ mình ở Sơn Dung để chăm lo. Đường đi khó khăn, cô trò lúc chở, lúc đi bộ, em lớn nhường em nhỏ hơn ngồi xe với cô. Đã ba năm nay, hễ cuối tuần là ngôi nhà nhỏ của gia đình cô Thiết lại rộn rã tiếng trẻ con vui đùa.

Ngày 20/11, cô tặng quà cho trò

Học trò của cô Thiết còn nhỏ tuổi nhưng các em đều ý thức được tình thương của cô giáo và biết nghe lời, yêu thương cô như mẹ ruột của mình. Em Đinh Văn Chuôi là học trò sáng dạ nhất, nhưng ba mẹ em không may đều bị bệnh nên tinh thần không bình thường. Chuôi ở với cô Thiết đã gần 1 năm nay, khi được hỏi “có thương cô không”, Chuôi cứ bẽn lẽn nép vào áo cô gật đầu. Với cô Thiết, đó là những động lực lớn lao để cô tiếp tục bám trường, gieo chữ.

Ở Tu Mít ngày lễ, tết, ngày 20/11 của cô Thiết là ngày cô tặng quà cho trò. “Vì các em đều còn nhỏ nên tôi mua bánh, trái cây về, cô trò cùng nhau liên hoan rất ấm cúng”. Nghe tâm sự của cô, chúng tôi càng thêm cảm động với sự hy sinh thầm lặng của một cô giáo trẻ vùng cao. Mong mỏi lớn nhất của cô Thiết chỉ là ngày ngày lo cho học trò được bữa ăn no, giấc ngủ ấm, để lớp học ngày nào cũng đông đủ các em. Bài học cô mang đến cho học sinh nơi đây không chỉ là tri thức, mà còn là lòng bao dung, là niềm tin cho các em bước vào đời.