> Hơi ấm cuối năm
> Trào lưu ‘sợ cô đơn’, tại sao vậy?
Bỏ người yêu nếu bị… bắt nấu ăn
Nói tiếng Việt khá thành thạo, Julia (Sinh viên ĐH Humboldt - CHLB Đức), đang theo học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) cho biết: Phương Tây vốn nổi tiếng với quan niệm thoáng trong chuyện tình cảm nên việc thể hiện những cử chỉ âu yếm ở nơi công cộng như: Cầm tay, ôm hôn là chuyện không hiếm, chuyện “vượt rào” cũng có thể xảy đến dù mới quen nhau.
“Tuy nhiên đây thường là những mối tình chóng vánh, những mối tình nghiêm túc phải mất đến cả nửa năm mới nhận lời yêu. Đặc biệt, ở Đức thường chọn Ngày lễ Tình nhân là thời điểm đẹp nhất để tỏ tình” - Julia cho hay.
Nếu ở Việt Nam, các bậc phụ huynh thường tỏ ra khó tính với chuyện yêu đương của bạn trẻ thì ở Đức, đa phần bố mẹ không ngăn cấm chuyện yêu đương của con cái.
Bố mẹ thường khuyến khích các con đưa người yêu về nhà giới thiệu, “thậm chí, người yêu bạn có thể ngủ lại phòng của bạn mà bố mẹ không phản đối”, Julia nói.
Tại Đức, các đôi tình nhân thường thay phiên nhau thanh toán chi phí đi chơi, ăn uống.
“Khác với Việt Nam con gái thường được “thiên vị” hơn trong khoản phí tổn, ở Đức nam nữ sẽ thay nhau thanh toán các khoản “tình phí”, Julia thẳng thắn tâm sự.
Khi được hỏi, lúc yêu nhau các cô gái Đức có thường nấu cơm cho người yêu không thì Julia cười tủm tỉm nói: “Thông thường, nếu một anh chàng Đức nói với người yêu mình rằng hãy nấu cơm đi, cô gái đó sẵn sàng rời bỏ anh chàng.
Ở Đức, khi yêu nam nữ rất bình đẳng, kể cả việc nội trợ. Tuy nhiên, sau khi kết hôn thì phụ nữ sẽ làm nhiều việc nội trợ hơn đàn ông”, Julia nói.
Trở nên thuần Việt hơn
Julia vui vẻ khoe người yêu hiện tại là một anh chàng Việt Nam. Hồi mới sang Việt Nam, Julia tìm đến một công ty du lịch đăng ký tour bằng xe máy cho người nước ngoài.
Người yêu sau này của Julia làm việc trong chính công ty du lịch này. “Tuy lần đầu gặp nhau nhưng tôi và anh nói chuyện khá hợp, anh chủ động xin số điện thoại của tôi, sau đó chúng tôi thường xuyên liên lạc và đi chơi với nhau” - Julia nhớ lại.
Trong những chuyến đi chơi xa, Julia nhớ nhất hai lần về thăm quê người yêu ở Hà Tĩnh. Lần đầu tiên về ra mắt gia đình người yêu, Julia vui mừng khôn xiết khi gia đình anh chào đón cô một cách thân thiện và nhiệt tình.
Lần thứ hai về ăn Tết Nguyên đán 2012 chứa đựng nhiều kỷ niệm khó quên nhất với Julia.
Nhanh chóng hòa nhập không khí đón tết ở một vùng quê Việt Nam, Julia nhanh nhẹn học cách gói bánh chưng, lau dọn bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa…cùng gia đình người yêu. “Ngày Tết thì đi chúc Tết cả làng” - Julia kể.
Về khoản lãng mạn, các chàng trai Việt Nam “ăn đứt” người Đức. Tại Đức, nam giới rất ít khi nói lời âu yếm với người yêu. Ở Việt Nam, tôi thấy các chàng trai dành nhiều lời yêu thương và sự bất ngờ cho bạn gái của mình”.
Bố mẹ ở Đức cũng rất vui khi biết Julia có người yêu ở Việt Nam. “Bố mẹ tôi và anh đã vài lần nói chuyện với nhau, tuy nhiên bố mẹ tôi chỉ nói được tiếng Đức và Tây Ban Nha, anh lại nói tiếng Anh và tiếng Việt nên khi trò chuyện đôi bên chỉ nói “hello” là hiểu, sau đó tôi phải phiên dịch”, cô gái tóc vàng vui vẻ cho biết.
Khi được hỏi về bí quyết để duy trì tình yêu, Julia cho biết hai người luôn tôn trọng văn hóa của nhau, chung thủy và luôn cố gắng hiểu nhau.
“Người yêu tôi khá hiểu văn hóa phương Tây nên tôn trọng những điều tôi thích hay không thích. Việc nấu cơm, rửa bát anh thường xuyên giúp đỡ tôi”- Julia nói.
“Một lần, tôi nói với anh khi sang Đức có thể ngủ lại phòng tôi. Dù hiểu văn hóa phương Tây cởi mở nhưng anh vẫn tỏ ra ngạc nhiên và kêu lên “á, á, á” - Julia chia sẻ kỷ niệm hài hước nhất về người yêu.