Cỗ cưới và cỗ máy

TP - Cái quy định “cỗ cưới 50 mâm” mang nặng tính chất làng xã mà thành phố Hà Nội vừa ban hành, những tưởng chỉ gặp trong tản văn chuyện cũ Hà Nội trước năm 1945 của cụ Tô Hoài.

> Cán bộ không được tổ chức tiệc cưới quá 50 mâm

Thôi thì không nhắc đến cỗ cưới bằng 4 bát bánh đúc trong Vợ nhặt của Kim Lân, hay bằng suất thịt chó (dự định dành cho đứa con trai) của lão Hạc - Nam Cao.

Không muốn nhắc nhớ lại chuyện đau lòng của xã hội cũ một thời. Thế nhưng, trong xã hội mới bây giờ, thấy còn đau lòng hơn với những cỗ cưới hàng trăm mâm bị bỏ phí ề hề nơi những khách sạn 5 sao, trong khi đa số dân tình, người già trẻ nhỏ khắp nơi đang phải sấp ngửa chạy ăn từng bữa.

Có lẽ bởi vậy, nên mới có quy định về 300 người - 50 mâm đối với chuyện cưới xin của cán bộ, quan chức thủ đô.

Có lẽ thấy phí phạm với hàng trăm vòng hoa chồng chất ê hề nơi những đám tang của gia đình cán bộ, quan chức, mà tỉnh Bình Dương ra quy định “không viếng bằng hoa”.

Xót xa sự hoang phí về thời gian, khi cán bộ công chức chủ yếu sử dụng “8 giờ vàng ngọc” để la cà hết quán này, mâm nọ, bỏ lơ việc tiếp dân, nên tỉnh Bình Thuận quyết định “cấm”, và sẽ kỷ luật những ai vi phạm.

Cũng như nhiều địa phương, ban ngành từng có rất nhiều lệnh “cấm”, lệnh “siết”, và những quy định rất chi li, cụ thể vào từng đầu việc như vậy. Tưởng chừng cỗ máy nhà nước đang quản lý rất sát sao mọi chuyện. Nhưng thực ra, trong việc đếm từng mâm cỗ cưới, lại cho thấy cỗ máy quản lý đang có vấn đề.

Về nguyên tắc, bất kể địa phương ban ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị nào, kể cả tổ chức, doanh nghiệp tư nhân ngay từ đầu cũng đều phải xây dựng hệ thống quy định cụ thể đối với cán bộ, nhân viên, các thành viên trong tổ chức. Các quy định trên đều là hình thức cụ thể hóa các luật định hiện hành.

Từ Luật cán bộ - công chức, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng, cho đến cả quy định về những điều đảng viên không được làm… bất kỳ biểu hiện vi phạm nào của các thành viên, cũng đều có thể áp dụng theo luật và quy định mà xử lý.

Chứ không thể lâu lâu ngẫu hứng lại tung ra một lệnh cấm này cấm nọ, rồi mạnh tỉnh nào tỉnh ấy thực hiện. Mà thực chất phần lớn chỉ là sự hô hào hình thức, qua “vài trống canh” chẳng còn ai nhớ đến.

Thực tế xã hội phức tạp, muôn hình vạn trạng. Quản lý nhà nước nếu không dựa trên tính hệ thống bao quát và nghiêm ngặt từ trên xuống dưới, mà chỉ lóc cóc chạy theo để bắt sâu trên ngọn, thì cỗ máy dù có kềnh càng, vĩnh cửu cỡ nào chẳng mấy chốc cũng phải mỏi mệt, khô dầu.

Theo Báo giấy