Chuyện về Tổng Cục 2 - Kỳ IX: Trinh sát kỹ thuật đấu “pháo đài bay”

TP - Mỹ sử dụng B52 với dã tâm hủy diệt Hà Nội hòng lật ngược thế cờ ở cuộc đàm phán Paris. Trinh sát kỹ thuật của ta đã góp phần làm phá sản tham vọng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị Trinh sát kỹ thuật Cục 2 đêm 20/12/1972.

Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 75, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Trung tâm TSKT 75, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng), tiền thân là Trạm 75A - lực lượng chuyên trách nắm không quân, hải quân Mỹ, có nhiệm vụ tổ chức trinh sát phát hiện, nghiên cứu, khám phá kỹ thuật các hệ thống thông tin liên lạc của không quân, hải quân Mỹ.

Nghiệp vụ sơ đẳng, thiết bị lạc hậu

Lực lượng ban đầu thiếu và mỏng. Năm 1965, đơn vị tuyển được 10 sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại giao (biết tiếng Anh) và gần 20 sinh viên năm thứ ba, thứ tư khoa tiếng Anh Đại học Sư phạm Hà Nội. Một số được phân công nắm tin về lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ, một số nắm tin về không quân Mỹ, một số khác làm định hướng. Một số cán bộ, chiến sĩ được gửi đi đào tạo cấp tốc tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Hà Nội trong 18 tháng. Tổng cộng có 6 khóa (từ khóa A đến khóa F), với gần 300 học viên.

Tháng 4/1967, Đại đội 2 được thành lập, do đồng chí Đường Minh Phang làm Đại đội trưởng. Biên chế gồm: Ban Chỉ huy đại đội; 3 Trung đội, 1 Đội cơ động; Phân đội mã thám, nghiên cứu tổng hợp, ra tin và Tiểu đội trinh sát. Trung đội 1 thực hiện nhiệm vụ nắm hải quân (trọng tâm là theo dõi, nắm toàn bộ hoạt động của lực lượng Đặc nhiệm 77 của Hạm đội 7); Trung đội 2 nắm hoạt động của Tập đoàn không quân số 7; Trung đội 3 nắm hoạt động của Tập đoàn không quân số 13 và lực lượng không quân chiến lược ở Guam, Utapao; Đội cơ động chặn thu sóng cực ngắn chi viện cho Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân đánh địch và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về máy bay B52 tại địa bàn Quân khu 4; Tiểu đội trinh sát có nhiệm vụ nghiên cứu tìm các đối tượng chặn thu và hỗ trợ các đơn vị trong Đại đội tìm kiếm các đối tượng đang chặn thu đổi tần số hoặc mật danh liên lạc. Hỗ trợ Đại đội nắm địch có Tiểu đoàn định hướng 13, Tiểu đoàn rađa đối hải và bộ phận rađa phòng không.

Trình độ ngoại ngữ, kiến thức về trinh sát kỹ thuật và đối tượng trinh sát của cán bộ, chiến sĩ thời gian đầu cơ bản còn hạn chế, chỉ có một số ít đồng chí có trình độ đại học, còn lại đa số mới qua lớp đào tạo cấp tốc tiếng Anh 18 tháng và bồi dưỡng sơ đẳng về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, trang bị rất thiếu và lạc hậu hơn nhiều so với đối phương. Nhưng toàn đơn vị đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, có ý chí quyết tâm cao, chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ ngoại ngữ, khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật, kiến thức về đối tượng trinh sát, tìm ra cách đánh phù hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cách đánh độc đáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán:“…Mỹ chỉ chịu rút quân khỏi Việt Nam khi bị thua trên bầu trời Hà Nội”. Từ tháng 6/1965, khi không quân Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 trên chiến trường miền Nam, chủ trương phải nghiên cứu cách đánh B52 được đưa ra. Trạm 75A (đơn vị tiền thân của Đại đội 2) bắt đầu lần tìm, dò nắm quy luật hoạt động của không quân Mỹ. 

Yêu cầu ngặt nghèo được đặt ra là cần phải nắm và báo tin trước về các trận đánh của địch với các yếu tố: thời gian nào đánh, lực lượng là bao nhiêu, chủng loại gì, địa điểm đánh ở đâu, hướng nào? Thời điểm đó, phía Trung Quốc đã có một số tin báo cho ta nhưng lại không chỉ cách làm thế nào để có tin, chỉ nói “phải phán đoán bằng ký hiệu (dấu hiệu) tình báo”. Vậy nên đành phải mò mẫm phương pháp ra tin dựa trên dấu hiệu tình báo. 

Ngày 17/12/1966, trong các bức điện đơn vị thu nhận được có một bức điện chỉ có một từ “Thunderstorm”, tạm dịch là “Bão có sấm”. Qua nghiên cứu kỹ lưỡng điện văn, trao đổi, hội chẩn, kết hợp với quan sát thời tiết hôm đó thuận lợi cho hoạt động của không quân, 9 giờ, đơn vị báo tin lên cấp trên: “Có thể chiều nay, không quân Mỹ từ Thái Lan vào đánh miền Bắc”. 

Đúng 13 giờ cùng ngày, 40 máy bay F105 của không quân Mỹ từ Thái Lan đánh phá Hà Nội. Như vậy, đơn vị đã báo cáo thời gian máy bay địch đánh phá trước 4 giờ. Những ngày sau, khi từ này xuất hiện, đơn vị đều kịp thời báo cáo sớm lên trên và kết quả đều đúng như tin báo. Đây là những tin tức ban đầu rất quan trọng khẳng định ý nghĩa và vai trò của việc ra tin dựa trên dấu hiệu tình báo, là cơ sở để đơn vị xây dựng được cách đánh độc đáo của lực lượng trinh sát kỹ thuật sau này.

Từ thời điểm đó đến các năm 1969, 1970, 1971, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 căng mình tập luyện, nghiên cứu quyết liệt với yêu cầu: Làm thế nào để có được tin tức về hoạt động của máy bay B52 và F111 kịp thời và đầy đủ nhất? Câu hỏi đó luôn được đưa ra tại nhiều phiên họp của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể; được quán triệt sâu sắc từ trên xuống dưới. 

Không quản ngại gian khó, cả đơn vị tập trung nghiên cứu, dấy lên phong trào thi đua đặc biệt, tạo niềm đam mê, sức cuốn hút kỳ lạ. Bằng nhiều cách khác nhau, đơn vị dần có những thông tin về B52; mới đầu dấu hiệu ít, tin tức rời rạc, lẻ tẻ; càng về sau kinh nghiệm nhiều hơn, đơn vị nắm tương đối đầy đủ và ngày càng chính xác tin tức về hoạt động của B52 và F111. 

Đơn vị thường xuyên nắm chắc về số lượng B52 và thông báo trước từ nửa giờ tới hàng giờ, có khi trước vài giờ về các đợt đánh phá của B52 trên chiến trường miền Nam, giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang kịp thời sơ tán lực lượng, có biện pháp phòng tránh hiệu quả, tránh thương vong, tổn thất cho đồng bào, chiến sĩ của ta.

Đầu năm 1972, đơn vị xác định được hành trình của B52 từ lúc cất cánh đến khi đánh phá xong trở về căn cứ; nắm chắc kế hoạch di chuyển của quan chức cấp cao 3 tập đoàn không quân Mỹ (số 7, số 8 và số 13) từ các căn cứ ở Thái Lan, Philippines và Nam Việt Nam. 

Từ giữa năm 1972, các báo cáo tin tức của đơn vị về hoạt động của không quân Mỹ được tiêu chuẩn hóa với độ tin cậy ngày càng cao.  Đơn vị thông báo trước nhiều giờ những trận đánh quan trọng của không quân Mỹ (có trận đã thông báo B52 tấn công trước 24 giờ); nắm chắc thông tin về các tàu sân bay, sở chỉ huy các máy bay xuất kích đánh phá miền Bắc thông qua việc nắm các khu trục hạm dẫn đường.

Tin tình báo của Cục 2 trên tấm bảng tại Tổng hành dinh Ban tác chiến Bộ Tổng Tham mưu ngày 18/12/1972.

Góp phần vào chiến thắng

Ngày 13/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố: “Hành động duy nhất để đạt được mục đích là đẩy mạnh ném bom, buộc miền Bắc Việt Nam phải chấp nhận giải pháp do Mỹ đưa ra”.

Ngày 14/12/1972, sau khi  gặp Nixon, Cố vấn An ninh Quốc gia (sau đó là Ngoại trưởng Mỹ) Henry Kissinger gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đe dọa: “Nếu sau 72 giờ, Bắc Việt không quay lại Paris tiếp tục đàm phán, Bắc Việt sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng”. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ ra lệnh cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân lập kế hoạch sử dụng máy bay B52 đánh phá Hà Nội mang tên Chiến dịch Linebacker II.

Ngày 17/12/1972, đơn vị báo cáo: “Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương điện cho Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đình chỉ đi phép của tất cả các phi công, tất cả các phi công ở lại căn cứ chờ lệnh”. 8 giờ ngày 18/12, đơn vị tiếp tục báo cáo: “Trong hai ngày 16 và 17/12, Mỹ không chủ trương sử dụng lực lượng không quân, chỉ có vài tốp máy bay lẻn vào đánh phá”.

Rồi tiếp tin về việc Mỹ điều 5 tàu sân bay và hàng chục tuần dương hạm, khu trục hạm di chuyển vào vùng biển nước ta, hoạt động tại khu vực trên vĩ tuyến 17 ngoài khơi vịnh Bắc bộ… Trên cơ sở đó, ta nhận định, đây là động thái báo hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Từ nguồn tin đó, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị cho toàn quân sẵn sàng chiến đấu. Hà Nội đã ra lệnh sơ tán toàn bộ nhân dân ra khỏi nội thành, chỉ còn lại bộ đội phòng không, tên lửa và lực lượng dân quân tự vệ; tất cả các loại xe ôtô đều được trưng dụng chuẩn bị phục vụ chiến đấu.

11 giờ 55 phút ngày 18/12/1972, đơn vị báo cáo lên trên: “18 giờ 30 phút đến 19 giờ tối nay, khoảng 50 lần chiếc B52 và 100 lần chiếc máy bay chiến thuật vào đánh Hà Nội’’. Đến 12 giờ ngày 18/12/1972, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân họp Đảng ủy bất thường ngay sau khi nhận được tin báo của Cục Nghiên cứu và ra lệnh báo động toàn quân chủng chuyển vào cấp một. 

15 giờ 30 phút ngày 18/12/1972, đơn vị báo cáo: ‘‘B52 đã cất cánh, dự kiến sẽ đánh vào miền Bắc, các máy bay chỉ huy và chỉ huy cấp cứu làm nhiệm vụ trực chiến vào chiều và tối lần lượt đến vị trí quy định. Máy bay tiếp dầu KC135 từ căn cứ Clark đã cất cánh’’.  Đúng 19 giờ 45, các đợt đánh phá của không quân Mỹ vào thành phố Hà Nội bắt đầu đúng như tin báo của đơn vị. Tổ quốc đã không bị bất ngờ.

Các đợt đánh phá của không quân Mỹ đều được đơn vị báo cáo sớm, ngắn nhất là trước 7 giờ, dài nhất là trước 9 giờ.  Về số lượng máy bay B52, F111 tham gia và địa điểm đánh phá, tất cả đều được đơn vị báo chính xác, kịp thời phục vụ cho trên chỉ huy tác chiến và chiến đấu thắng lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng chiến dịch phòng không 12 ngày đêm năm 1972.

(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)

(Còn nữa)

Lực lượng trinh sát kỹ thuật nói chung và Đại đội 2 nói riêng bước vào thực hiện nhiệm vụ nắm không quân, hải quân Mỹ với một sự chuẩn bị công phu, tinh thần tự lực, tự cường và có kế hoạch từ rất sớm, được triển khai theo cách hết sức đặc biệt, riêng có của Việt Nam.