Ba mẹ không kịp nhìn con trưởng thành
Tác nghiệp trong buổi lễ trang trọng trao quyết định tuyển dụng viên chức diễn ra tại trụ sở UBND TPHCM vài ngày trước, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều người thân tới chúc mừng 3 ứng viên trúng tuyển. Đây là những nhân sự đầu tiên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc được tuyển thẳng theo diện thu hút nhân tài của TPHCM, đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe và được hưởng lương gấp đôi.
Sau buổi lễ, ba mẹ, anh chị em ruột tranh thủ tặng hoa và lên sân khấu chụp hình lưu niệm với các viên chức trẻ. Nhưng với viên chức Lưu Văn Khoa (23 tuổi, quê Lâm Đồng, cử nhân sư phạm Toán Trường Đại học Đà Lạt) là một trường hợp đặc biệt. Trong buổi lễ quan trọng này, đi cùng Khoa chỉ có họ hàng bên nội, bên ngoại mà không có ba mẹ. Lúc nhận bằng đại học loại xuất sắc, là thủ khoa đầu ra hay lúc đại diện cho các ứng viên đọc lời phát biểu nhận quyết định tuyển dụng trước lãnh đạo thành phố, Khoa đều đi một mình hoặc chỉ có họ hàng, bạn bè tới động viên. Lý do là ba và mẹ Khoa đều đã qua đời trước khi em tốt nghiệp.
Dì của Khoa rơm rớm nước mắt tâm sự: “Ba mất sớm nên Khoa thương mẹ lắm, lúc nào con cũng mong ra trường sớm, tìm được việc làm tốt để báo hiếu cho mẹ. Nhưng mẹ của Khoa số phận hẩm hiu, chồng mất sớm phải gánh gồng nuôi con, chỉ còn 2 năm con ra trường thì không may qua đời, không kịp nhìn con trưởng thành. Thương cháu nên chúng tôi lặn lội từ quê xuống TPHCM chúc mừng Khoa vì sợ con tủi thân. Từ nhỏ cháu đã ngoan ngoãn, học rất giỏi, là niềm tự hào của dòng họ”.
Sinh ra trong gia đình có ba là trưởng trạm y tế, mẹ làm công nhân. Biến cố ập đến khi ba không may mất sớm, lúc ấy Khoa mới 7 tuổi. Từ đó, hai mẹ con Khoa về nhà ông bà ngoại nương tựa. Mất ba từ nhỏ nhưng trong ký ức của mình, Khoa luôn nhớ hình ảnh một nhân viên y tế thường tới vùng sâu vùng xa chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Do đó, trong những năm cấp 2, Khoa từng có ước mơ trở thành một bác sĩ để viết tiếp ước mơ của ba lúc còn sống. Nhưng nhận thấy hoàn cảnh gia đình neo đơn nên Khoa chuyển hướng thi sư phạm vì không tốn học phí, cuối tuần có thể tranh thủ về nhà thăm mẹ và ông bà ngoại.
Khoa học đều các môn nhưng có niềm yêu thích đặc biệt với Toán. Ngay từ những năm cấp một, em đã mua sách nâng cao toán về giải thêm ở nhà. Càng hiểu sâu về Toán, em càng thấy những con số khô khan đều có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Suốt những năm học phổ thông, Khoa chưa hề đi học thêm. Em cho biết thành tích học tập tốt của em nhờ vào sự động viên nhưng không gây áp lực của mẹ.
Biến cố thứ hai mà Khoa gặp phải là vào năm 2 đại học. Lúc đang ở giảng đường, em nhận được điện thoại từ người thân báo mẹ đã mất vì tai nạn giao thông. Em bần thần, cứ mong đây là tin báo nhầm vì mới hôm qua hai mẹ con còn gọi điện nói chuyện vui vẻ, không thể nào mẹ bỏ em đi nhanh như vậy được. Cú sốc khiến cậu sinh viên năm 2 không còn động lực sống. Lúc đó, người thân, thầy cô, bạn bè phải liên tục ở bên động viên để Khoa lấy lại tinh thần, tiếp tục đến giảng đường thực hiện lời hứa với mẹ là trở thành một thầy giáo dạy Toán.
Tạo mọi điều kiện để nhân tài phát huy sở trường
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhìn nhận với năng lực vượt trội, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khi ra trường có nhiều lựa chọn, có các điều kiện khác tốt hơn khi làm việc ở các trường ngoài công lập. Nhưng các em mong muốn làm việc ở các trường THPT chuyên, nơi có học sinh giỏi để có thể đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Sở GD-ĐT đã làm việc với lãnh đạo 2 đơn vị dự kiến phân công công việc cho ứng viên trúng tuyển. Tinh thần chung là tạo điều kiện để các em khi về trường nhận nhiệm vụ phát huy năng lực, sở trường nghiên cứu khoa học, xây dựng chuyên đề, bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự các kỳ thi cấp quốc gia, thành phố.
Bí thư Đoàn năng nổ
Ông bà ngoại lớn tuổi, lại không còn mẹ lo ăn học trong hai năm cuối đại học, Khoa phải làm gia sư và giành học bổng để có thể tiếp tục nuôi ước mơ. Khó khăn là vậy nhưng nam sinh luôn năng nổ tham gia công tác Đoàn. Nhiều năm liền, Khoa là Bí thư lớp và là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn khoa sư phạm Toán của Trường Đại học Đà Lạt.
“Lúc học năm 4, sau quá trình phấn đấu, em vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đó là niềm tự hào rất lớn với em vì em đã nối bước được truyền thống gia đình. Ông bà ngoại em đều là những Đảng viên 50 năm tuổi Đảng. Ông bà là nguồn cảm hứng để em theo nghề giáo” - Khoa chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt.
Vừa tốt nghiệp, Khoa xuống TPHCM với ý định học tiếp thạc sĩ. Đọc báo thấy có thông tin tuyển dụng viên chức, em nộp đơn và được tuyển thẳng. Sắp tới, sẽ được phân công công tác một trong 2 trường chuyên lớn nhất TPHCM là THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Khoa cho biết đây vừa là động lực, vừa là áp lực vì những ngôi trường phổ thông nổi tiếng đòi hỏi giáo viên giàu kinh nghiệm và chuyên môn. Bất lợi nhất với chàng trai trẻ là chưa có nhiều kinh nghiệm. Tranh thủ lúc chưa nhận lớp, Khoa đã mày mò tìm kiếm phương pháp giảng dạy gần gũi, thân thiện, tìm nhiều bài toán có tính ứng dụng cao để truyền đạt đến học sinh.
Khoa dự định khi bắt đầu nhận công tác, em sẽ tranh thủ vừa giảng dạy vừa học thêm thạc sĩ để nâng cao chuyên môn. Em cho hay các cơ sở công lập hiện nay không trả mức lương cao bằng trường tư nhưng ngoài kinh tế ra thì em luôn có khao khát có đóng góp, tạo được ảnh hưởng gì cho giáo dục. Với mong muốn như vậy, làm việc cho môi trường công lập thì tầm ảnh hưởng, đóng góp sẽ được nhiều hơn, rộng lớn hơn. “Có chuyện vui hay buồn em luôn tin ở một nơi nào đó ba mẹ vẫn luôn dõi theo và tự hào về những thành tích em đạt được. Mỗi khi đám giỗ, em thường thắp nhang và kể cho ba mẹ những điều vui buồn trong cuộc sống của em” - Khoa tâm sự.