Chuồng gà trong thành phố

TP - Cũng đôi bàn tay cô chủ quán ấy xúc bát ốc nhồi hấp sả, lá chanh đặt lên bàn cho tôi xong lại nhào ra ôm con gà trống đang rỉa vỏ ốc dưới gốc cây hỏi khách “Có gà cúng giao thừa chưa, chị bán cho. Toàn thả rông ăn ruột ốc ướp chanh sả, thơm thịt phải biết”.
Vận động không ăn pa-tê gan ngỗng. Nguồn ảnh: Gaia

Đấy là chuyện giáp Tết năm ngoái ở Hà Nội. Còn gần Tết 2015 tại quận Etterbeek (thủ đô Brussels) giới thiệu dự án mỗi hộ dân đô thị nuôi một cặp gà để chống lãng phí thức ăn.

Người Hà Nội bây giờ ngồi uống cà phê sáng, dạo vỉa hè buổi chiều hay được gà qué hỏi thăm, ngó nghiêng tìm hạt. Một nhà báo kể kỹ năng thời bao cấp đang trỗi dậy: nhà trên phố và chung cư bắt đầu xuất hiện chuồng gà và vườn rau trong hộp xốp vì sợ thực phẩm không an toàn. Lồng gà dần lấn vỉa hè, gốc cây xanh thành ổ hôi rình cho lũ cục ta cục tác họp chợ.

Không có kỹ năng thời bao cấp thiếu đói giỏi xoay, cư dân đô thị Bỉ nuôi gà kiểu gì nhỉ? Hai mươi gia đình ở quận Etterbeek xung phong nuôi gà nhưng không có vườn sau nhà sẽ được chính quyền địa phương cấp cho mỗi hộ một cặp gà và một chuồng. Đấy nhé, chuồng gà đô thị cũng phải có quy chuẩn. Thì cũng như chăm con chó con mèo trong nhà. Địa phương còn ngỏ ý đặt chuồng gà trong sân trường tiểu học để bọn trẻ nhận biết món thịt gà xuất phát từ đâu.

Theo thống kê, một con gà mỗi năm có thể xử lý được 50 cân rác thải thực phẩm gia đình. Chính quyền khuyến khích dân đô thị nuôi gà để xử lý rác, tiết kiệm lương thực sau đó mới dè dặt hy vọng gà đẻ trứng cho mà ăn. Không nuôi gà lấy thịt như dân Hà Nội nên yên tâm dân Brussels chưa ham sản lượng đến nỗi mang cả lồng gà ra lấn phố, quây chiếu úp lồng bu vào mặt phố phường.

Châu Âu đã qua những ngày tiệc tùng nhưng không miên man để chia tay năm 2014. Nhiều nhà hàng sang trọng loại hẳn món gan ngỗng trứ danh khỏi bàn tiệc. Phú quý giật lùi? Nguyên do là hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Gaia (đấu tranh vì quyền động vật), không ủng hộ cách vì một món ăn nào đó gây đau đớn đặc biệt cho gia súc gia cầm.

Để chứng minh cách người ta nhồi vịt, ngỗng nhằm tăng sản lượng gan cho mùa tiệc cuối năm, tổ chức Gaia mời các nghệ sĩ nổi tiếng thử hát vào một micro đặc biệt hình phễu. Khổ chưa, có cất giọng nổi không hay cảm giác đau đớn như bị nội soi dạ dày? Có thời dân Hà Nội cứ óng lưng đứng trả giá theo cân theo lạng mà không kiểm tra diều gà vịt.

Hồi còn ở làng tôi lạ gì mấy bà mấy cô buôn gà vịt quê mang lên phố. Đêm nào cũng bánh đúc đổ sàng. Nhưng món quà quê chất phác ấy nào có thuận anh, anh bán, thuận nàng, nàng mua như câu ca dao. Thay vào đó là cảnh rùng rợn của buổi sáng tinh sương: cả nhà sấp ngửa trở dậy sắt bánh đúc thành từng khúc nhỏ, chân đè đùi vịt, tay vạch mỏ tay nhồi bánh đúc. Vừa nhồi vừa vuốt cho đến khi cổ lũ gà vịt ngoắc cần câu không ngậm mỏ được nữa.

Chỗ bánh đúc dễ đến vài lạng trong diều mỗi con gà con vịt ấy chưa kịp tiêu hóa đã nằm chung với lông lá đổ đi theo rác thải trong ngày. Phí của. Bánh đúc cũng là lương thực. Sắp Tết Ất Mùi, đào quất hẳn rực rỡ lắm rồi đấy nhỉ. Nhưng vài tuần sau sẽ lại héo úa tả tơi trên xe rác.

Điều này cũng xảy ra với cây thông Giáng sinh ở châu Âu? May mắn gần đây có dự án “nhận nuôi cây Noel” ở thành phố Ghent (Bỉ). Thay vì ném cây vào bãi rác, thành phố dành một khu đất trống hoặc đất bỏ hoang, nền nhà máy cũ... cho dân mang thông đến trồng ký gửi, cuối năm lại mang cây về nhà trang trí. Dân tiết kiệm được tiền còn thành phố có thêm một khoảng xanh quanh năm.

Vẻ ngoài của một đô thị bền vững được đánh giá qua màu xanh và ít rác thải. Còn nhìn chuồng gà dưới gốc cây của cô chủ quán ốc xám xịt một góc vỉa hè ai đi qua cũng chắc một điều: Hà Nội ta chăn nuôi giỏi.