Ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Vào lúc 16h chiều nay (26/4), UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức họp báo lần thứ 2 để thông tin kết quả bước đầu vụ trộn phế phẩm cà phê nhuộm pin vào tiêu xảy ra tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Tham gia họp báo có lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông và nhiều sở, ngành liên quan tới vụ việc này. “Thời gian qua, thông tin trộn các tạp chất cà phê nhuộm pin vào tiêu đăng trên phương tiện thông tin đại chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng cà phê và tiêu của tỉnh nhà nói riêng, của cả nước nói chung. Tại buổi họp báo, chúng tôi sẽ cung cấp rõ hơn kết quả việc trộn tạp chất cà phê nhuộm pin vào tiêu để làm gì”, ông Lộc cho biết thêm.
Đại Lê Vinh Quy - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Cơ sở bà Loan đã pha trộn hỗn hợp này từ tháng 1/2016, sản phẩm Loan và Bảo đã bán cho Tuấn, Thơ và Dung là 3 tấn. Sau khi mua, Dung đã trộn vào hạt tiêu xuất bán với tỷ lệ 18,34%. Tại cơ sở bà Dung đã pha trộn 9 tấn hạt tiêu với hỗn hợp này, nhưng chưa được xuất bán đi đâu thì bị phát hiện. Chất này là chất gì thì chưa có tên, vì thế Cơ quan công an tiếp tục chứng minh, làm rõ việc vi phạm của các đối tượng trên theo Điều 317 - Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ việc này, trung tá Ngô Thanh Hòa - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Việc kiểm tra, tạm giữ khẩn cấp bà Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Dung, ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước) là “án do Công an tỉnh Đắk Nông” thực hiện, Công an tỉnh Bình Phước chỉ phối hợp trong việc kiểm tra nhân thân, lúc bắt giữ. Hiện nay mọi công tác điều tra về động cơ mục đích việc mua tạp chất nhuộm pin để trộn vào tiêu cũng như đường đi của mặt hàng này đều do Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, làm rõ để công bố. “Sau khi nắm thông tin Công an tỉnh Bình Phước đã triển khai công tác nắm tình hình, rà soát trên địa bàn tỉnh để ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng và tang vật chứng vi phạm, nếu có”, ông Hòa cho biết thêm.
Trước đó, vào ngày 23/4, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã tạm giữ hình sự trong trường hợp khẩn cấp đối với 5 người gồm bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, chồng bà Loan), bà Phan Thị Dung, Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi) và Trần Văn Tuấn (42 tuổi, cùng trú xã Nâm N’Jang, Đắk Song, Đắk Nông). Hiện cơ quan công an khẳng định những người này có liên quan trong việc sản xuất, mua bán, đấu trộn hỗn hợp “vỏ cà phê - sỏi - pin” vào tiêu nên bắt khẩn cấp để đấu tranh.
Thông tin phế phẩm cà phê nhuộm pin trộn vào tiêu khiến nhiều người trong ngành hồ tiêu hết sức lo lắng, đề nghị phải xử lý nghiêm để đảm bảo thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết: Hiện nay Hiệp hội đang chờ thông tin chính thức từ cơ quan điều tra, tuy nhiên hành vi đấu trộn tạp chất, đặc biệt có chứa than pin vào hàng nông sản-dù là hàng gì, dù là cà phê hay tiêu, cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, rất đáng phê phán, lên án.
Cũng theo ông Hải, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đạt hơn 200.000 tấn/năm và chủ yếu dùng để xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản. Dù hành vi của các nghi can này là nhỏ lẻ nhưng hiệp hội cũng đang chờ kết luận của cơ quan điều tra xem mục đích phối trộn làm gì, tiêu “bẩn” đã bán những đâu mới có thể ra khuyến cáo chung. Theo đó, các cơ sở sản xuất, thu mua hồ tiêu… phải rà soát lại toàn bộ quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chí xuất khẩu.