Giới nghệ thuật thường lắm ông cành cao, ít chịu chung chạ nếu không hợp cạ. Nhưng thà cành cao kiểu ấy, còn đỡ “chối” hơn cảnh toàn người già ngồi với nhau, và chủ tịch hội còn ngồi tiếp đến nhiệm kỳ thứ 4. Mang danh hội chuyên ngành của giới sáng tạo mà nhìn lên đã thấy toàn gần đất xa trời, sáng tạo gì nữa…
Ban lãnh đạo mới vừa bầu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu ngó bộ cũng già chát. Trong số 21 vị, trẻ nhất đã U 60. Trên báo chí, thấy nhiều nghệ sĩ trẻ đang rất “tâm tư”. Một đạo diễn già chức sắc của hội này khi được nhà báo hỏi đã thấy gương mặt đạo diễn trẻ nào hứa hẹn, liền đáp “chúng tôi chưa thấy ai thay mình”. Có thể chưa thấy, vì ông chỉ muốn “thấy” những người theo kiểu nhìn của ông, chứ đến nỗi nào không có nổi ai thay thế? Thêm Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang rục rịch chuẩn bị đại hội vào năm sau, liệu có trẻ trung hơn không từ người cầm trịch?
Xưa nay, nghệ sĩ đích thực thường tự thân. Còn nếu cần thì chỉ cần một không khí cởi mở, khen chê lành mạnh kích thích sáng tạo. Không ban phát khen chê, lợi ích nhóm. Nhưng ở ta cứ xoay mòng theo một thứ thiết chế văn học nghệ thuật, mà hội hè địa phương rập khuôn theo trung ương kiểu cái nong tròng cái nia, cùng loay hoay không thoát ra ngoài bầu sữa ngân sách ít ỏi nhà nước cấp mỗi năm. Lãnh đạo văn học nghệ thuật địa phương nhiều nơi do các vị chức sắc “tỉnh nhà” khi về hưu chuyển sang nắm giữ. Phong thái hội người già uống trà Việt Nam.
Lãnh đạo nghệ thuật, văn chương mà ai cũng cố cày cho đủ 4 nhiệm kỳ đến ngót bát tuần thì thở cũng không xong, nói gì đến cảm nhận và tiếp nhận cái mới.