Vụ ngư dân Quảng Nam bị Trung Quốc cướp, phá ở Hoàng Sa:

Chiêu trò mới của tàu Trung Quốc

TP - Vụ tàu cá QNa 91939 của ngư dân Võ Quang Thái (SN 1968, trú tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) với 10 ngư dân vừa bị tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp, phá hoại ngư lưới cụ trên biển Hoàng Sa của Việt Nam đang khiến dư luận bức xúc.
Toàn bộ ngư lưới cụ trên tàu 91939 đã bị cắt phá. Ảnh: Nguyễn Thành

Trưa 6/3, lúc tàu của ông Thái đang hành nghề tại tọa độ 15o 57 N - 111o 48 E trên vùng biển Hoàng Sa. Khi ấy bất ngờ xuất hiện ba tàu lớn, ngư dân chủ động quan sát, ghi lại được số hiệu 46101của một tàu Hải cảnh màu trắng.

Từ tàu này, một nhóm 13 người có súng nhảy xuống ca nô chạy tới áp sát tàu cá Việt Nam. Nhóm này khống chế thuyền trưởng, bắt các thuyền viên ra ngồi trước mũi tàu, rồi giật đứt dây nối của bộ máy Icom, đập phá bộ đàm để cắt đứt liên lạc. Sau đó chúng phá lưới, máy móc, ngư cụ và cướp đi hơn 1 tấn hải sản, cùng toàn bộ lương thực, nhiều tài sản của ngư dân.

Nhóm này có một người nói được tiếng Việt. Tên biết tiếng Việt ghi lên mảnh bìa giấy mấy chữ “theo phía Nam 270 độ, 180 độ” rồi bắt tàu cá phải chạy theo hướng trên về bờ nếu không chúng sẽ tông chìm tàu. Thiệt hại của ngư dân ước tính hơn 300 triệu đồng, chưa kể chi phí phải bỏ dở chuyến biển.

Chiêu trò mới

Theo phản ánh của ngư dân tàu QNa 91939, hôm đó còn có hai tàu cá khác của ngư dân Lý Sơn và Bình Định cũng bị ba tàu Trung Quốc kể trên truy đuổi và cướp bóc, cũng phải về bờ. Ông Thái là ngư dân lão luyện, bám biển Hoàng Sa lâu năm của Tam Quang. Tàu QNa 91939 hơn 600 CV là con tàu thứ 5 của ông trong đời bám biển. Những chuyến biển gần đây tàu ông và nhiều tàu khác thường xuyên đụng độ với tàu Trung Quốc. Các tàu Trung Quốc thường tháo bạt che súng trên tàu để đe dọa ngư dân Việt Nam.

Qua theo dõi, để ý, ông Thái và nhiều ngư dân có chung nhận định: Tàu Trung Quốc đang dùng chiêu mới, bằng cách cho tàu lớn neo đậu thật xa, để ngư dân không đọc được số hiệu tàu. Sau đó thả ca nô, đưa người có vũ khí đến trấn áp ngư dân. Khi lên tàu, việc đầu tiên, chúng tìm cách phá hỏng hệ thống liên lạc, sau đó cướp bóc, phá hoại như một vụ cướp trên biển rồi bỏ đi.

Ông Thái cho biết: Nhờ biết được việc này, nên khi thấy ba tàu lớn xuất hiện, việc đầu tiên ông yêu cầu anh em ngư dân nhìn thật kỹ lá cờ treo trên tàu, số hiệu tàu. Trong vụ vừa xảy ra, ba tàu trên đều treo cờ Trung Quốc. Và do cảnh giác, nên khi phát hiện tàu 46101 thả ca nô, ông Thái đã nhanh chóng giấu đi một bộ đàm trên tàu. Nhờ đó, sau khi tàu Trung Quốc rút đi, anh em ngư dân liên lạc ngay được với đất liền.   

Hội Nghề cá Quảng Nam phản đối

 Ngày 9/3, Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam và cơ quan chức năng báo cáo sự việc tàu cá QNa 91939 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46101 đe dọa, cướp phá tài sản khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngay trong ngày 9/3, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam (NĐNC) có tuyên bố phản đối tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công, cướp phá tàu cá, tài sản, ngư lưới cụ và uy hiếp ngư dân, đoàn viên NĐNC Việt Nam.

Đây là hành động nguy hiểm, có dụng ý của phía Trung Quốc nhằm đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân Việt Nam. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cho rằng, hành động trên thể hiện tinh thần thiếu thiện chí, lời nói không đi đôi với việc làm của phía Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông, ảnh hưởng cuộc sống của ngư dân và đoàn viên NĐNC Việt Nam.

Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trong các hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm vươn khơi bám biển lao động sản xuất.