Ông ấn tượng gì về cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm?
Khi nói chuyện với một ngư dân người Kinh 60 tuổi tên là Nguyễn Quí Hiền về văn hóa tín ngưỡng của họ liên quan bảo vệ cá voi, tôi hiểu rõ hơn những giới hạn, hiểu rõ hơn về “trí tuệ xanh” (blue mind - thanh thản, yên bình, hòa hợp, cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn với cuộc sống). Trong một cộng đồng sống dựa vào nước, hằng ngày, người ta sống hòa hợp với các thành tố khác nhau và thường đầu tư vào môi trường sinh sống của họ bằng các loại thành tố màu nhiệm.
Trên hòn đảo này, không có sự cạnh tranh giữa các ngư dân mà là sự hợp tác. Tôi thấy họ sửa lưới đánh cá, làm việc trên thuyền, và bán cá ngoài chợ. Làng chài của cha ông bây giờ là một khu dự trữ sinh quyển, bảo tồn và bảo vệ các rạn san hô, đa dạng sinh thái và di sản văn hóa. Ý nghĩa quá khứ tổ tiên này của họ được phản ánh ở nhiều ngôi chùa và đền thờ dành riêng nhằm tôn vinh cá voi.
Trong tín ngưỡng và lễ hội của họ, các cư dân đảo cho thấy niềm tự hào của họ trong cuộc sống và, quan trọng hơn, trong cộng đồng. Cù Lao Chàm thực sự là một quần thể đảo đá hoa cương (granite) đẹp đến nghẹt thở, nơi sinh kế của dân chúng phụ thuộc vào ngư trường và các nguồn lợi khác từ biển.
Có thể học được những gì từ cộng đồng này?
Tôi nghĩ rằng, họ có thể dạy cho tất cả chúng ta về sự cần thiết để bảo tồn và gìn giữ đại dương. TS Chu Mạnh Trinh (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) và những người khác ở vùng biển được bảo vệ dạy cho người Kinh rằng, bằng cách bảo vệ các rạn san hô, họ đang để dành vùng biển của mình để có nhiều cá hơn cho các thế hệ tương lai. Đảo có quyền kiêu hãnh với 277 loài san hô và 270 loài cá sống dựa vào rạn san hô cũng như một kho tàng cảnh đẹp thiên nhiên và sự phong phú tri thức, phong tục truyền thống.
Ở đây không có khách sạn. Hiện nay, cộng đồng sống trên đảo có thu nhập mới bằng cách cho các thợ lặn và khách du lịch sinh thái thuê trọ ở nhà mình. Tôi cũng học được từ họ cách mọi người có thể thực sự kết nối cảm xúc sâu hơn với biển khơi. Biển Đông tạo cảm hứng, gây xúc động và thậm chí xoa dịu mọi người. Tôi muốn cổ vũ các bạn trẻ Việt Nam đến thăm hòn đảo huyền diệu để có thể trải nghiệm cách thức sinh thể nước này, biển Đông, bỏ bùa và níu giữ chúng ta trong một tấm lưới huyền diệu vĩnh cửu ra sao. Tôi biết rằng, tôi sẽ sớm trở lại.
Tạo đối thoại quốc gia
Ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà giáo dạy học sinh cách viết. Ông có lời khuyên nào cho thanh niên Việt Nam trong việc giải quyết tương lai của biển Đông?
Tại sao không bắt đầu một chiến dịch truyền cảm hứng thông qua phương tiện truyền thông xã hội giữa các mạng trẻ tuổi của Việt Nam - những công dân có lương tri. Một vài người đã đề nghị gọi chiến dịch là “Cứu biển Đông” hay “Lưu giữ biển Đông”.
Một điều đang ngày càng trở thành hiển nhiên rằng, lịch sử hàng hải quan trọng của Việt Nam có thể được phát hiện trong mọi hoạt động văn hóa và kinh tế được tìm thấy trong ngư trường do tổ tiên để lại của quốc gia, trong ngành công nghiệp đóng tàu truyền thống, và trong các khu bảo tồn biển.
Những gì Việt Nam đang chứng kiến là sự tiếp nối truyền thống đối lập với những thay đổi văn hóa nhanh chóng. Có lẽ những người trẻ tuổi có thể tạo ra một cuộc đối thoại tầm quốc gia về một số vấn đề liên quan truyền thống của tổ tiên ở biển Đông và những thách thức để gìn giữ chúng.
Vì sao ông nghĩ chủ đề hoặc thông điệp truyền thông xã hội này có tính thời sự và có thể khiến thanh niên quan tâm?
Các đại dương là nguồn sống của Trái Đất và là nơi trú ẩn của các loài sinh vật đặc hữu nhất và cổ xưa nhất của chúng ta. Hủy hoại nhanh chóng các rạn san hô ở biển Đông đồng nghĩa với việc không còn cơ hội lặn để quan sát san hô nữa. Một phần tư rạn san hô thế giới đã bị phá hủy bởi ô nhiễm và thay đổi khí hậu.
Thanh niên Việt Nam nên cho chính phủ biết họ không chấp nhận các hành động liều lĩnh của Trung Quốc - cải tạo đảo và phá hủy rạn san hô. Hơn nữa, các cộng đồng ngư dân Việt Nam là trung tâm của bất kỳ sự kiểm chứng nào về chủ quyền và cần được đưa vào cuộc thảo luận tầm quốc gia như một phần của chiến lược “ngoại giao mềm” trên khắp cả nước đáp lại những hành động hung hăng đang tiếp diễn của phía Trung Quốc ở biển Đông. Cuối cùng, đánh bắt quá mức và ô nhiễm sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức đến cuộc sống của họ hôm nay và mai sau.
Hãy kiểm soát tương lai
Ông muốn nhắn nhủ điều gì với độc giả của chúng tôi?
Hãy chịu trách nhiệm và kiểm soát tương lai của các bạn. Hãy bắt đầu một chiến dịch bảo tồn và gìn giữ biển Đông ngay từ bây giờ. Hãy lập kế hoạch cho một buổi lễ trong tuần đầu tiên của tháng 6/2016 ở Cù Lao Chàm.
Chương trình thậm chí có thể lồng ghép hoặc tương thích với một hội thảo trực tuyến và diễn ra trong thời gian thực, dự kiến 2-3 ngày viết về “Hiểu biết những thách thức về môi trường của Việt Nam ở biển Đông”. Tất cả điều này có thể trở thành một sự kiện lớn hướng đến Ngày Đại dương Thế giới được tổ chức vào 8/6/2016.
Ông James Borton tại Cù Lao Chàm.
Trong tuần lễ này, khắp bờ biển Việt Nam, các bạn trẻ có thể tham gia vào một chiến dịch làm sạch môi trường vùng ven biển và gửi đến chính phủ thông tin đã được các bên thông qua về môi trường và sự kiện “Cứu biển Đông”.
Tất cả những nỗ lực này có thể thành công nếu biết huy động và đoàn kết nhân dân Việt Nam trong việc tuyên bố và bảo vệ ngư trường mong manh và quý giá của tổ tiên để lại. Kết quả khả dĩ nhất trong số các kịch bản có thể xảy ra là một chiến dịch truyền thông xã hội Việt Nam khuyến khích một kiểu tinh thần dân tộc về môi trường và có lẽ cũng sẽ truyền cảm hứng cho các nước láng giềng khác để thúc đẩy bảo tồn và phát triển bền vững.
Cảm ơn ông.
Những người ủng hộ
-“Đó là một ý tưởng tốt và đưa các vấn đề xuống mức thực tế hơn và dễ hiểu. Câu hỏi của tôi là làm thế nào để kế hoạch đảm bảo không bị giới hạn chỉ có độc giả Việt Nam? Chiến dịch sẽ hoàn hảo nếu mở rộng với sự tham gia rộng lớn hơn ở tầm khu vực, tôi nghĩ vậy, nhưng điều này sẽ yêu cầu tái cấu trúc các vấn đề thành một cuộc vận động cho một cuộc thể hiện giữa một bên là dư luận và bên kia là các hoạt động không thể chấp nhận được của Trung Quốc. Định hình kế hoạch như một cuộc vận động cho di sản cấp khu vực, vùng Đông Nam Á, có thể là một cách để có thể nhận được sự ủng hộ rộng lớn hơn nhiều” - Jay L. Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề biển và luật biển (Philippines).
-“Tôi nghĩ rằng, kế hoạch về Chiến dịch biển Đông rất tuyệt vời và phù hợp cho đến thời điểm này. Biển Đông khá nhỏ đối với một số quốc gia tham lam, đặc biệt là Trung Quốc. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội phù hợp để tham gia vào kế hoạch này, như viết bài và xuất bản về những thách thức biển Đông mà nhờ đó tôi có thể khởi xướng các ý tưởng môi trường đại dương cho công chúng” - La Thanh Tùng - Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ.
-“Một sáng kiến thú vị. Tôi rất vui được hỗ trợ mặc dù tôi có rất ít bạn Việt Nam trên trang của mình. Chắc chắn đó là một lĩnh vực khó khăn và ông đã thực sự nắm bắt tốt vấn đề. Nếu ông nghĩ về bất cứ cách thức hữu hình nào muốn tôi hỗ trợ, hãy cho tôi biết” - Pete Bethune, Thuyền trưởng tàu bảo tồn Earthrace, đạo diễn chính loạt phim truyền hình The Operatives phát năm 2014.
-“Dự án của James Borton thật tuyệt vời. Tôi có thể giới thiệu một số đồng nghiệp ở TPHCM, những người có thể giúp tìm các tình nguyện viên tham gia sự kiện. Tôi nghĩ chỉ cần tìm được 20-40 người làm công việc làm sạch bãi biển thôi cũng sẽ là một cơ hội tuyệt vời để chụp ảnh và nâng cao nhận thức thông qua phương tiện truyền thông xã hội” -Dominique N. Thiệu - Giám đốc điều hành Vamntv.com.
- “Hãy cho tôi tham gia vào các kế hoạch và hoạt động tương lai trong chiến dịch truyền thông cho biển Đông” - Mach Lê Thu - Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Monash (Úc).
-“Ngay sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết và Trung Quốc phản đối, sẽ thật tuyệt để truyền thông xã hội tràn ngập với ý tưởng về một Công viên Hòa Bình. Trong bối cảnh ấy, Chiến dịch biển Đông là một khởi đầu tuyệt vời” - John W. McManus - GS.TS Sinh học biển và Sinh thái, Trường Rosenstiel Marine và Đại học Miami (Mỹ).