Trầm cảm - Sát thủ vô hình - Bài 2:

Chán sống

TP - Những cuộc tự tử vì bệnh trầm cảm được đánh giá rất khó cứu chữa khi mà người bệnh đã “tự tắt” đi ngọn lửa ham muốn lớn nhất của con người đó là khát khao muốn sống và kiếm tìm hạnh phúc.
Chăm sóc bệnh nhân trầm cảm. Ảnh: T.N.A

Cô đơn, bi quan

“Tôi gặp hết tất cả các đối tượng. Gần đây hay gặp các doanh nhân, làm ăn thất bại, mất một số tiền lớn. Một số đang chờ li thân. Họ buồn chán, không thiết tha gì công việc”. Bác sĩ Diệp làm việc ở phòng khám tâm thần cho biết, những bệnh nhân trầm cảm phải đối phó với đủ thứ chuyện trên đời.

Chị M, một cô gái hiền lành, đạo đức, khi lập gia đình thì phải chịu nhiều áp lực làm dâu, sinh nở, công việc và dĩ nhiên cả bệnh tật nữa. Khi bị trầm cảm nặng cũng là lúc cô phải hứng chịu thêm hàng loạt đổ vỡ: Chồng và gia đình chồng muốn cô ly dị để họ nuôi con. Cơ quan thấy cô làm việc kém, không đảm bảo được công việc đề ra, trở thành gánh nặng, gọi cô lên và thanh lý hợp đồng cho nghỉ việc.

M. bị trầm cảm nặng, cô thấy mình vô tích sự với chồng con, với cộng đồng, bị tước đoạt tất cả. M. đã nhảy lầu để tự vẫn. May mắn cô vẫn còn sống, dù thân thể đầy thương tích. Cô gặp bác sĩ tâm thần bày tỏ nỗi lòng của mình. M. được điều trị, cho uống thuốc, dùng các liệu pháp tâm lý. Song bác sĩ cho biết cô vẫn đang ở trạng thái tâm lý xấu, cần sự chia sẻ của mọi người.

“Thật khó khăn cho cô ấy - các bác sĩ nói - cô ấy quá cô độc, kể cả sau khi tự sát. Mọi cánh cửa vẫn chưa mở ra”. Dường như, chỉ còn lại bác sĩ là người bạn là cứu cánh cuối cùng của M.

Bệnh trầm cảm xuất hiện ở mọi nghề. Một số giáo viên khám bệnh và cho biết không hài lòng với các học sinh bởi nhiều trẻ hư mà cô giáo không biết phải làm cách nào để dạy dỗ chúng. Người khác thì nỗ lực dạy tốt mà lãnh đạo trường không quan tâm hay biết gì. Thậm chí có cô giáo chỉ muốn xin nghỉ việc, trước khi xin nghỉ việc mới đi khám.

Cô D., 50 tuổi, cho biết: “Học sinh hư hỏng nhiều. Làm cô giáo không thể buông xuôi nên day dứt lắm”. Cô bị rối loạn giấc ngủ, bị nhiều bệnh đau trong người mà không rõ nguyên nhân.

Bệnh viện tâm thần với những hàng rào bao bọc các hành lan. Ảnh: T.N.A

Một số người bị trầm cảm sau khi về hưu, thậm chí lúc sắp về hưu. Họ suy sụp, giảm cân rất nhanh mà không rõ nguyên nhân. Đi khám khắp nơi không rõ bệnh gì. Cá biệt có người bị trầm cảm sau khi không lên được chức vụ như ý muốn. Bệnh nhân này phát bệnh khoảng 6 tháng sau khi không được đề bạt.

Bác sĩ cũng cho biết: “Tôi gặp một bệnh nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo trong công ty mà năng lực lại không tương xứng. Người này luôn lo lắng năng lực không đáp ứng được với công việc, suốt ngày bị áp lực sợ bị mất chức, cuối cùng đã phát bệnh”.

Bác sĩ một phòng khám tư tiết lộ: “Khi mở phòng khám tư, việc khám chữa bệnh kín đáo hơn, chúng tôi mới biết ngay cả các đồng nghiệp trong ngành y chúng tôi cũng bị trầm cảm”.

Một bác sĩ tới khám và cho biết anh quá mệt mỏi do áp lực công việc. Mỗi ngày bác sĩ này khám tới 60 bệnh nhân khiến anh quá tải và “lo lắng về chất lượng khám bệnh của mình”.

Khám chậm thì sợ đồng nghiệp đánh giá năng lực kém và để bệnh nhân phải chờ, khám nhanh lại lo mình khám qua loa làm bệnh nhân thiệt thòi. Cuối cùng người bác sĩ ngã bệnh trầm cảm.

“Chúng tôi có một câu châm ngôn dành cho các bệnh nhân là: Bạn đừng quyết định điều gì quan trọng khi bạn đang bị trầm cảm”.

Bác sĩ Diệp

Các bác sĩ cho biết ở Việt Nam chưa có một khoa khám chữa bệnh chuyên về bệnh trầm cảm và ngay cả trong ngành y không phải ai cũng hiểu biết nhiều về căn bệnh thế kỷ này, nhất là việc nó liên quan tới sự tự sát.

Thuật ngữ “bệnh trầm cảm” (depressive llness) hay “giai đoạn trầm cảm nặng” (Major depressive episode) thường được chẩn đoán với 9 triệu chứng (trong đó có 2/3 triệu chứng bắt buộc) đó là: khí sắc trầm trọng thời gian nhiều ngày (hơn 4 tuần), giảm các ham thích, hứng thú, giảm năng lượng và hoạt động, giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, mất ngủ kéo dài, kích thích hoặc ức chế tâm thần vận động, mất năng lượng hay mệt mỏi, cảm giác tự ti, ý tưởng bị tội, khó suy nghĩ, nặng nhất là xuất hiện ý tưởng và hành vi tự sát.

“Đừng quyết định điều gì”

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết “Nhiều người lầm tưởng hành vi tự sát là bộc phát, mâu thuẫn tức thời nào đó, mà ít biết rằng người ta thường chọn cái chết do một quá trình dài trước đó đã tích tụ căn trong bệnh trầm cảm”.

Tâm trạng buồn chán, không còn hứng thú gì kể cả những ham muốn bản năng như sex, hay trách nhiệm với gia đình, sự quan tâm tới bản thân, tình trạng thể lực suy kiệt và cảm giác cô đơn cùng những căn bệnh đau đớn hành hạ không rõ nguyên nhân đã đưa bệnh nhân tới ý nghĩ tự tử.

Bác sĩ Diệp khám xong một bệnh nhân trầm cảm vì mối quan hệ xấu giữa nàng dâu và mẹ chồng, cho biết: không phải vì một câu mắng của mẹ chồng mà nàng dâu chạy đi tự sát, trước đó cô đã bị rất nhiều áp lực trong gia đình và thậm chí cả ngoài xã hội trong thời gian không ngắn. Không phải trong phút chốc mà người mẹ muốn tự sát cùng con của mình. Chị ta phải có ý tưởng, có quá trình chuẩn bị và cân nhắc. Người bác sĩ phải lắng nghe và tìm được nguồn cơn.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy tỷ lệ trầm cảm lưu hành cả đời là khoảng 15%, riêng nữ giới cao hơn với khoảng 25%. Đặc điểm bệnh này là tỷ lệ tái phát lên tới 50-80%. Quá trình tái phát khiến bệnh càng trầm trọng, đặc biệt với các bệnh nhân điều trị dở dang.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn, trong công trình khoa học của mình đã đưa ra số liệu: “Khoảng 59-87% người tự sát có rối loạn trầm cảm” và “15% số bệnh nhân trầm cảm chết do tự tử”.

Tài liệu này cũng trích dẫn các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy “60% số người tự sát ở Mỹ có biểu hiện trầm cảm”. Khoảng 10% có ý tưởng tự sát rơi vào nhóm bệnh nhân trong tình trạng độc thân, không có ai bên cạnh.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn nhận xét: “Cứ 5 người bị trầm cảm thì 1 người có khả năng tự tử, một tỷ lệ rất cao trong y khoa”. Bác sĩ Diệp nói “Gần đây các bệnh nhân tự tử lại muốn kéo theo cả vợ chồng, con cái chết cùng, với ý nghĩ rằng để họ sống thì cũng không có ai giúp đỡ, khiến hậu quả vô cùng nghiêm trọng”.

Hiện các bệnh nhân trầm cảm đa số ngại vào điều trị nội trú ở bệnh viện tâm thần, sợ bị nhốt chung với các loại bệnh tâm thần nặng hơn. Việc gia đình theo dõi phát hiện ý tưởng tự sát của bệnh nhân được xem như giải pháp thiết thực nhất.

Bác sĩ Diệp nói: “Chúng tôi có một câu châm ngôn dành cho các bệnh nhân là: Bạn đừng quyết định điều gì quan trọng khi bạn đang bị trầm cảm”. “Nên hay không nên vào lúc này đều không được!”.

Một cô giáo chuẩn bị bỏ nghề vì trầm cảm, khi chữa hết bệnh lập tức cô rất yêu công việc của mình rồi thấy ý tưởng bỏ nghề quá nhảm nhí.

Một bệnh nhân nữ nửa đêm gọi điện cho bác sĩ nói: “Em không muốn sống nữa rồi, bây giờ biết làm sao? Em sợ lắm”. Can thiệp kịp thời của các bác sĩ, nữ bệnh nhân từ bỏ được ý định tự tử. Sau đó, bệnh nhân gặp bác sĩ và nhận lỗi: “Em làm phiền mọi người quá! Bây giờ em sẽ không bao giờ có ý nghĩ dại dột nữa”. Các bác sĩ thì lắc đầu, bảo thầm nhau: “Nếu hôm đó mình để quên máy di động ở đâu đó, hoặc bận quá không nghe được, hoặc điện thoại hết pin … thì không biết mọi việc sẽ thế nào với cô bé này!”.

Bác sĩ Hoàn, trong công trình nghiên cứu của mình đã đề xuất việc thiết lập một hệ thống số máy điện thoại nóng chuyên ngăn ngừa tự sát dành cho các bệnh nhân trầm cảm. Bác sĩ nói “trong những hoàn cảnh bi quan nhất thì các bệnh nhân thường muốn liên lạc với bác sĩ, người mà họ cho rằng hiểu và thông cảm với họ hơn cả”.

Một cụ già 88 tuổi, chuẩn bị rất chu đáo cho cái chết của mình. Cụ nói những lời tiễn biệt với con cháu, dặn dò mọi việc sau khi chết. Con cháu lo quá, đưa vào bệnh viện. Cụ cho biết cụ buồn và không hiểu tại sao, đã lâu nay hay khóc một mình, cũng không biết nguyên nhân. Hỏi vì sao cụ định tự sát? Cụ trả lời “buồn quá nên muốn chết”.

Qua thăm khám phát hiện cụ không ngủ được trong thời gian dài mà gia đình không ai biết. Cụ thường bị đau khắp người, “nhức không chịu nổi” nhưng đi khám thì không biết bệnh gì và uống nhiều thuốc nhưng không giảm.

Còn nữa