Chậm giải ngân, lao động ngồi dài chờ hỗ trợ

TP - Sau gần 2 tháng triển khai gói an sinh xã hội trị giá 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng, tốc độ giải ngân vẫn chậm. Lý do là chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm và điều kiện chính sách đưa ra chưa sát thực tế.
TP Cần Thơ chi tiền hỗ trợ người lao động từ gói an sinh Ảnh: Molisa

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ Nghị quyết 68 và Quyết định 23 sửa đổi đồng thời nêu tên địa phương chậm để thúc tiến độ.

Bộ và chính quyền địa phương vênh nhau

Chiều 30/9, trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc công bố tên tỉnh, thành phố chậm triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 là cách để thúc đẩy địa phương triển khai quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, lý do chậm cũng được nêu rõ để các đơn vị khắc phục. Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 sẽ trình Chính phủ trong tuần này.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 29/8, ông Dung cho biết, một số địa phương còn chậm triển khai chính sách hỗ trợ lao động (LĐ) theo Nghị quyết 68.

Cụ thể, Bến Tre và Vĩnh Long chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ; có 9 tỉnh chưa chi các khoản theo chính sách tạm hoãn hợp đồng, tạm ngừng việc là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên. Có 5 tỉnh chưa chi hỗ trợ LĐ phải ngừng việc là Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên. Có 3 tỉnh chưa được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho doanh nghiệp vay vốn trả lương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.

Chiều 30/8, bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long cho biết, cũng không hiểu sao Bộ LĐ-TB&XH lại thống kê địa phương chưa chi hỗ trợ, dù thực tế đã chi trên 60 tỷ đồng. Chỉ còn 2 nhóm chính sách chưa chi do chưa nhận được hồ sơ đề nghị nào (hộ kinh doanh, LĐ mất việc).

Riêng nhóm LĐ tự do, địa phương chi từng đợt tính theo ngày, mỗi ngày 50.000 đồng/người (thay vì chi 1 lần), tới nay đã hỗ trợ hơn 25.000 người, tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

“Tất cả số tiền chi này đều lấy từ ngân sách địa phương, không phải chưa chi. Chúng tôi thừa nhận một số chính sách triển khai chậm, không phải không quan tâm triển khai hỗ trợ người LĐ khó khăn. Xin lắng nghe, tiếp thu và cố gắng sửa chữa để triển khai nhanh hơn”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, do Vĩnh Long là tỉnh nghèo, nên mới hỗ trợ tới nhóm LĐ tự do có đăng ký cư trú (thường trú hoặc tạm trú), chưa hỗ trợ LĐ tự do ở trọ chưa đăng ký cư trú.

Ngoài ra, tại một số huyện, xã đang giãn cách xã hội nên chưa thống kê được số lượng để phê duyệt hỗ trợ. Sáng 30/8, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh triển khai các chính sách theo Nghị quyết 68, trong đó lập các tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho từng người.

Với Bến Tre, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phạm Thanh Hùng cho biết, địa phương đã chi trên 31 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ hơn 20.000 LĐ theo Nghị quyết 68. Trong đó, riêng LĐ tự do là 19.800 người, với số tiền giải ngân trên 29 tỷ đồng.

“Không hiểu sao Bộ LĐ-TB&XH lại thống kê chúng tôi chưa chi hỗ trợ. Việc triển khai có chậm, chúng tôi sẽ cố gắng để đẩy nhanh hơn”, ông Hùng nói.

Lý do chậm, theo ông Hùng, do địa phương giãn cách xã hội nên gặp khó trong thống kê rà soát, cũng có huyện ngân sách khó khăn chưa rõ nguồn chi nên chưa phê duyệt, chờ tỉnh hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều đơn vị sử dụng LĐ trên địa bàn cũng tạm dừng hoạt động, chưa có người đi làm để lập danh sách LĐ đề nghị hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam phản ánh, doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68 vì có thể các khoản đóng góp như nợ bảo hiểm, nợ thuế, nợ xấu. “Dịch COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm, khối doanh nghiệp vận tải, đặc biệt vận tải khách như taxi, xe khách liên tỉnh, xe du lịch... gặp rất nhiều khó khăn, khó tránh nợ các khoản đóng góp. Trong khi thời gian cơ cấu nợ ngân hàng chỉ 12 tháng, nên một số doanh nghiệp bị chuyển nhóm sang nợ xấu, hoặc nợ bảo hiểm nên không đạt điều kiện đóng tới thời điểm người lao động nghỉ việc”, ông Quyền nói. Ngoài ra, quy định quyết toán thuế năm 2020, theo ông Quyền, cũng không khả thi, vì không ít DN đã nộp hồ sơ thuế nhưng chưa được quyết toán... Ông Quyền đề xuất bỏ các quy định vướng mắc trên, để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ.

Với LĐ tự do, theo ông Hùng, hiện tại mới hỗ trợ bộ phận có đăng ký tạm trú.

“Thực tế, LĐ ở trọ cũng rất khó khăn, khi 2 tháng nay giãn cách xã hội họ cũng mất việc, rất khổ. Chúng tôi thống kê sơ bộ có khoảng 70.000 người thuộc diện này và đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ. Ngân sách địa phương cũng khó khăn nên chúng tôi đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ nâng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương lên 60%, thay vì 40% hiện nay”, ông Hùng nói.

Vẫn yêu cầu giấy tờ về tạm trú

Là địa phương thuộc nhóm triển khai gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng tốt nhất cả nước, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên cho hay, với LĐ tự do địa phương không yêu cầu điều kiện về cư trú, miễn là lao động có mặt trên địa bàn tỉnh tại thời điểm lập danh sách là được hỗ trợ, đặc biệt là với người LĐ thuê nhà trọ.

“Giãn cách xã hội, họ có mặt ở nhà trọ đã là khổ, giờ còn yêu cầu giấy tờ chứng minh tạm trú. Họ đã không đi đâu được thì làm sao có thể đi phô-tô giấy tờ. Chúng tôi mở điều kiện tối đa không cần biết thường trú hay tạm trú ở đâu”, ông Tuyên nói. Ngoài chính sách hỗ trợ chung với tất cả LĐ tự do 1,5 triệu đồng/người, LĐ thuê nhà còn được Bình Dương hỗ trợ thêm tiền thuê nhà trọ 300.000 đồng/người, tiền mua thực phẩm 500.000 đồng/người.

Tới hết ngày 29/8, Bình Dương đã: Chi hỗ trợ hơn 2,5 triệu LĐ, tổng số tiền hơn 1.297 tỷ đồng, trong đó hơn 155.000 LĐ tự do và LĐ đặc thù (như bán vé số dạo) được hỗ trợ hơn 233 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền trọ cho hơn 1,15 triệu người hơn 334 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, trong gói chính sách hỗ trợ LĐ tự do chính quyền vẫn yêu cầu điều kiện về cư trú, thậm chí phải xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú. Do đó, tới ngày 25/8, Hà Nội mới chi hỗ trợ được hơn 273 tỷ đồng. LĐ tự do từ địa phương khác tới Hà Nội thuê trọ nhưng không đăng ký tạm trú không tiếp cận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tới nay, cả nước đã có trên 15 triệu LĐ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ trên 8.400 tỷ đồng, trong đó có 1,2 triệu LĐ tự do với số tiền hỗ trợ trên 2.180 tỷ đồng. Bên cạnh ghi nhận một số địa phương đã triển khai tốt, như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra vẫn còn một số địa phương triển khai chậm, lúng túng, sợ trách nhiệm với người LĐ thiếu giấy tờ. Có địa phương do khó khăn về ngân sách nên chính quyền tỏ ra băn khoăn khi chi hỗ trợ. Ông Dung đề nghị các địa phương khắc phục ngay tình trạng chậm triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68.