Bác sĩ Vũ Hùng, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết đang tích cực điều trị nhằm hạn chế ảnh hưởng di chứng cho bé.
Theo người nhà bệnh nhi, loại pháo B. đốt được xác định là pháo diêm. Gia đình không biết bé chơi pháo, chỉ đến khi nghe pháo nổ và tiếng thét kinh hoàng người nhà mới phát hiện sự việc. Bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hai bàn tay bị dập nát, gân và dây thần kinh của bàn tay lộ, mắt trái bị vỡ nhãn cầu, vùng mặt và trán bị tổn thương. Bệnh nhi có biểu hiện sốc do bị mất máu quá nhiều.
6 bác sĩ huy động từ các khoa Mắt, Răng hàm mặt và Chấn thương Chỉnh hình cùng hơn chục y tá điều dưỡng đã nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, bác sĩ nối gân và dây thần kinh ở hai bàn tay bệnh nhi, cắt lọc các tổ chức dập nát, cố định xương bàn tay che phủ vết thương. Các bác sĩ đồng thời phẫu thuật vùng mắt cho bệnh nhi, song do mắt trái bị vỡ nhãn cầu, thị lực rất khó phục hồi, nguy cơ mù hoàn toàn.
Đốt pháo vào dịp Tết và những ngày trọng đại như cưới hỏi, về nhà mới... đã bị cấm từ lâu. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn học sinh, trẻ con nghịch pháo, bắn súng đạn nhựa... ngày Tết không phải hiếm.