Cảnh tượng lạ tại 'thủ phủ nhà trọ' ở TPHCM

TPO - Do thiếu việc làm, bị doanh nghiệp cắt giảm lao động, hàng nghìn công nhân ở TPHCM đã về quê và không quay lại khiến không ít nhà trọ từng đông đúc, nhộn nhịp ở quận Bình Tân (TPHCM) trở nên ế ẩm, hiu hắt...

Ngày 19/10, ghi nhận tại xóm trọ trên đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM), dù là thời điểm công nhân đã về xóm trọ sau thời gian làm việc ở nhà máy nhưng xóm trọ lại khá đìu hiu...

Từ đầu năm 2024 đến nay, xóm trọ chỉ có người rời đi chứ ít người dọn tới. Trước đây không có việc làm nên công nhân về quê rất nhiều. Hiện nay nhà máy đã có đơn hàng trở lại nhưng không có nhiều công nhân quay lại", một nữ công nhân cho biết.

Phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) từng được mệnh danh là “thủ phủ nhà trọ” ở TPHCM, hiện nay trở nên đìu hiu, vắng vẻ vì công nhân lần lượt trả phòng về quê. Một số chủ nhà trọ treo bảng “cho thuê phòng”, "còn phòng cho thuê"... cả năm nay nhưng chưa cho thuê được.

Viết lại thông tin “cho thuê phòng trọ” cùng số điện thoại liên lạc trước nhà, ông Hoàng Phó Thạo (chủ nhà trọ ở khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) thở dài nói rằng, gần 20 năm kinh doanh nhà trọ, chưa bao giờ ế ẩm như lúc này.

Dọc các con đường quanh Công ty Pouyuen như Trần Văn Giàu, Trần Thành Mại, Lê Đình Cẩn… nhà trọ nào cũng treo bảng cho thuê phòng. Thậm chí, chủ trọ còn trả phí cho người giới thiệu khách thuê nhưng chỉ lèo tèo một vài người tới ở được thời gian ngắn rồi cũng rời đi…

Nhiều xóm trọ có cả dãy hơn chục phòng, nhưng chỉ vài phòng có người ở. Ông Nguyễn Hoàng Lẻ, nguyên Trưởng khu phố 9, phường Tân Tạo (quận Bình Tân) cho biết, nơi đây có khoảng 130 phòng trọ, đa số công nhân thuê trọ trên địa bàn đều làm việc tại Công ty Pouyuen. Sau dịch bệnh, công ty thiếu đơn hàng nên cắt giảm lượng lớn công nhân. Số lao động này phần lớn đã về quê. Mặc dù hiện nay nhiều DN có việc làm và thông báo tuyển dụng số lượng lớn lao động nhưng công nhân trở lại thành phố không nhiều.

"Tôi có 39 phòng cho thuê với giá 1 triệu đồng/tháng nhưng hiện chỉ còn 14 phòng có người ở. Tôi đã nâng cấp phòng trọ, không tăng giá phòng... để giữ chân người thuê trọ nhưng vẫn không được. Thất nghiệp nên họ về quê hết rồi!”, ông Thạo cho hay.

Một trong những lý do công nhân không quay lại TPHCM là đã tìm được việc làm ở quê. Vắng khách, nhiều chủ trọ không trụ nổi đã bán luôn xóm trọ. “Để thu hút khách trọ, phần lớn chủ trọ không tăng giá phòng, nâng cấp phòng trọ tiện nghi hơn. Chúng tôi cũng thường xuyên tuần tra hàng đêm, đảm bảo an ninh trật tự khu phố để người dân yên tâm sinh sống”, ông Lẻ nói.

Chiều muộn hoặc những ngày cuối tuần là thời điểm công nhân có mặt ở nhà trọ nhưng hiện nay, nhiều phòng trọ vẫn “cửa đóng then cài”, tắt đèn tối om vì không có ai thuê.

Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, từ năm 2021, sau đại dịch COVID-19, lần đầu tiên TPHCM chứng kiến số lượng suy giảm về người nhập cư. Năm 2023, tỷ lệ người nhập cư chỉ còn 0,67%, tương ứng số lượng chỉ khoảng 65.000 người.

Chủ nhà trọ trò chuyện để nắm tâm tư, nguyện vọng của người thuê trọ nhằm có những hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, động viên người thuê trọ ở lại TPHCM làm việc.

Người lao động tìm việc làm trước khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM)