Ngày 4/12, bác sĩ Dương Duy Trang - Trưởng đơn vị tim mạch can thiệp, Bệnh viện Bình Dân TPHCM - cho biết, về trường hợp bệnh nhân N.T.T. (46 tuổi, ngụ Tiền Giang) ôm cánh tay nặng nề biến dạng đến bệnh viện vì đau đớn kéo dài.
Tình trạng cánh tay chị T biến dạng phức tạp, với các mạch máu to nổi gồ. Tay trái to hơn tay phải khoảng 40%, luôn tê rần, đau nhức, mất chức năng vận động, cầm nắm đồ vật, không bắt được mạch ở cổ tay trái. Bệnh nhân chỉ đi vài bước là thở dốc, luôn cần có người đỡ. Theo chị T, chị bị mảnh đạn xuyên vào cánh tay trái từ khi mới 3 tuổi. Bệnh nhân mong muốn được lấy mảnh đạn ra vì đã ở trong cơ thể quá lâu và chính nó gây bệnh.
Bác sĩ Trang cho rằng, mảnh hỏa khí có kích thước chừng 3mm này đã tạo nên lỗ rò ngay tại thời điểm đâm xuyên vào cánh tay trái của bệnh nhân từ hơn 40 năm trước. Trên phim chụp CT, các bác sĩ nhanh chóng phát hiện lỗ rò thông thành động mạch-tĩnh mạch vùng dưới đòn tay trái có đường kính lên đến 10mm. Lỗ rò này làm máu từ tim thay vì đổ hoàn toàn vào động mạch đã bị đẩy một phần vào tĩnh mạch.
Đây chính là nguyên nhân khiến tĩnh mạch của bệnh nhân dần phình lớn, hình thành mạng lưới tĩnh mạch phụ chằng chịt. Lượng máu lớn bất thường từ tĩnh mạch này đổ về tim khiến tim cũng phải hoạt động tăng bù, khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi. Đồng thời, tình trạng tĩnh mạch “cướp” máu động mạch qua lỗ rò lâu ngày làm cánh tay tê rần, đau nhức do thiếu máu nuôi...
Để chặn dòng thông nối động-tĩnh mạch bất thường, tránh nguy cơ cánh tay bị teo nhỏ, mất chức năng do thiếu máu và nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng khác, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp mạch máu. Tiếp cận động mạch dưới đòn tay trái, đặt stent bít lỗ rò cho bệnh nhân. Ca can thiệp được thao tác nhanh gọn chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Kết quả sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện ngoạn mục. Các triệu chứng khó chịu trước đây của cánh tay đã thuyên giảm đi hẳn, hết tê đau, mạch ở vùng cổ tay đập đều.
Theo bác sĩ Trang, tổn thương mạch máu do các vết thương hỏa khí hiện hiếm gặp trong cộng đồng. Trong những trường hợp không gây biến chứng ngay thường bị các nạn nhân ngần ngại khám và điều trị, họ chỉ chịu chạy chữa khi các biến chứng nặng nề xuất hiện.
Trường hợp chị T., hiện mảnh đạn đã nằm yên vị trong khối cơ, không gây đau đớn và thương tổn mạch máu nào khác nên không cần phải thực hiện thêm phẫu thuật xâm lấn để lấy ra.