PGS.TS. Bùi Hoài Sơn:

Cần minh bạch việc nhận, dùng tiền công đức qua ví điện tử MoMo

TPO - Giáo hội Phật giáo Việt Nam thí điểm nhận cúng dường (công đức) qua ví điện tử MoMo ở một số ngôi chùa. Sáng kiến này gây ra nhiều luồng ý kiến. PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia trao đổi với Tiền Phong xung quanh quan điểm có nên áp dụng rộng rãi hình thức cúng dường online.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa thí điểm cúng dường online trong bối cảnh Covid-19.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thí điểm cúng dường online qua ví điện tử MoMo. Quan điểm của ông về sáng kiến này của Giáo hội ra sao? Nhiều người ủng hộ nhưng không ít người bảo thủ cho rằng đây là hình thức mang tính thương mại, không phù hợp về mặt tâm linh?

Tôi cho rằng việc thí điểm cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một sáng kiến đáng được quan tâm, có thể phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sự phù hợp này thể hiện ở 3 lý do: thứ nhất là chúng ta đang ở trong giai đoạn chống dịch Covid-19, vì thế việc giãn cách xã hội là một yêu cầu bắt buộc, và việc cúng dường online cũng giống như nhiều hoạt động online khác chính là cách để chúng ta chung sức cùng Chính phủ thực hiện chủ trương giãn cách xã hội này.

Thứ hai, thực tế chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội số, chúng ta đang là những công dân số, và chúng ta cũng đang thực hành văn hoá số. Thực hành tôn giáo hay bất cứ một thực hành xã hội nào khác cũng không thể tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội này. Chính vì vậy, việc cúng dường online, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xuất hiện. Dịch bệnh Covid-19 chỉ khiến cho hoạt động này đến sớm hơn mà thôi.

Thứ ba, nhiều người dân đã sẵn sàng tâm lý cho việc cúng dường online. Việc cúng dường này đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của rất nhiều người mà không nhất thiết phải là mang tính bắt buộc. Nhu cầu ấy bắt nguồn từ nhiều lý do, mang tính chủ quan, trong đó có việc mong muốn đóng góp để tu bổ, xây dựng các cơ sở thờ tự cũng như thông qua đó như là một cách làm việc thiện để có “quả lành”, sự an tâm, may mắn cho người cúng dường. Bối cảnh dịch bệnh hay những lý do mang tính cá nhân không cho phép họ đến trực tiếp các cơ sở thờ tự thì việc góp tiền của online cũng một phần giúp họ củng cố niềm tin vào hoạt động thiện nguyện này.

Tất nhiên, tôi hiểu sự tranh cãi đối với sáng kiến này, bởi vì bất kỳ một sáng kiến nào mới cũng đều nhận được những phản ứng trái chiều (đặc biệt là khi đã có một số hoạt động trục lợi liên quan đến tâm linh trong thời gian vừa qua và bị dư luận lên án), và chúng ta cũng cần có thời gian để kiểm nghiệm xem sáng kiến cúng dường online có hiệu quả hay không, nhưng tôi tin, những lý do hợp lý ở trên sẽ khiến hoạt động thí điểm cúng dường online có cơ sở thành công, chứ không phải mang tính thương mại thái quá như một số ý kiến đã nêu.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia cho rằng cúng dường online sớm muộn cũng xuất hiện

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ vọng sau khi thí điểm thành công sẽ có thể từng bước áp dụng đại trà, việc này tiến tới khắc phục gài tiền lẻ lên tay tượng Phật, minh bạch hóa tiền công đức. Theo ông việc sử dụng hình thức cúng dường online có thần kỳ đến thế?

Do đây là lần đầu tiên chúng ta thí điểm cúng dường online nên chúng ta chưa hề có kinh nghiệm gì để xử lý những vấn đề có liên quan nhưng rõ ràng văn hoá đi lễ chùa, văn hoá công đức chắc chắn cần có những thay đổi khi năm nào chúng ta cũng phải lên tiếng về những hiện tượng không phù hợp như đổi tiền lẻ, gài tiền vào tay tượng hay cách thức sử dụng tiền công đức....

Dù vậy, thay đổi thói quen trong các sinh hoạt văn hoá, đặc biệt là các sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh là vô cùng khó khăn, tuy thế, nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ, bằng những hành động hết sức cụ thể thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi được những điều mà chúng ta vẫn thường lên tiếng. Hình thức cúng dường online có thể không thần kỳ đến mức làm thay đổi tất cả thói quen công đức, đi lễ đầu năm song sẽ góp phần giúp xây dựng văn hoá đi chùa văn minh, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.

Cần có giải pháp minh bạch hoá việc tiếp nhận, sử dụng tiền cúng dường online. Ảnh: TOAN TOAN

Có thể ủng hộ hình thức này nhưng không ít người còn rụt rè và lo ngại về vấn đề giả mạo, lợi dụng để trục lợi bất chính. Vậy theo ông, khi ứng dụng hình thức này cần có các giải pháp ra sao?

Mọi lo ngại đều có lý do, đặc biệt đến từ một số hoạt động trục lợi tâm linh đã diễn ra ở một số rất nhỏ các chùa trong thời gian vừa qua khiến nhiều người có ánh mắt dè dặt mỗi khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến lợi ích vật chất cũng như bị trầm trọng hơn bởi vấn đề giả mạo, lừa đảo vốn đầy rẫy trên mạng xã hội.

Trong một môi trường như vậy, sáng kiến cúng dường online, dù đã có ý thức về việc kiểm soát dòng tiền qua ví MoMo, vẫn luôn cần có những giải pháp để thể hiện sự minh bạch trong việc nhận và sử dụng các khoản tiền cúng dường đồng thời tôn trọng tự do, bí mật riêng tư của cá nhân.

Làm được như vậy, chúng ta hy vọng sẽ có sự thay đổi tích cực trong văn hoá đi chùa của người Việt, để việc đi lễ chùa không chỉ là dịp cầu an, hướng đến chân – thiện – mỹ, xây dựng đạo đức cho mỗi người, mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc.
Cảm ơn ông!