Cần đóng cửa lò đốt gây ô nhiễm

TP - Trước thực trạng địa phương ồ ạt nhập lò đốt rác thải nhỏ, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị này từng có kiến nghị với Chính phủ nghiêm cấm nhập khẩu lò đốt công suất thấp vì không đảm bảo môi trường. Đối với lò đốt gây ô nhiễm, nên đóng cửa ngay.
Một lò đốt rác thải nhỏ ở Bắc Giang

Từng kiến nghị cấm nhập khẩu lò đốt nhỏ

Thời gian qua, một số tỉnh ồ ạt nhập lò đốt rác thải nhỏ về đốt rác thải sinh hoạt (Tiền Phong phản ánh qua loạt bài: Ồ ạt nhập lò đốt rác thải nhỏ: Hiểm họa khôn lường). Các chuyên gia khuyến cáo, việc dùng lò đốt rác thải nhỏ ồ ạt ở các địa phương tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm dioxin, quan điểm của ông là gì?

Việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn được các địa phương chú ý nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi Chính phủ ban hành tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có tiêu chí 17 về môi trường. Nhu cầu xử lý rác nông thôn cũng ngày càng bức thiết. Để giải quyết vấn đề này, nhiều địa phương sử dụng lò đốt rác thải công suất thấp, cỡ nhỏ, công nghệ trong nước hoặc nhập từ Thái Lan, Nhật Bản. Gần đây tôi có nghiên cứu về công nghệ lò đốt thì thấy, để đảm bảo môi trường, lò phải có hai buồng đốt (sơ cấp và thứ cấp), nhiệt độ đốt phải trên 1.000 độ C để phân hủy được dioxin và furan, phải có hệ thống xử lý khí thải (hấp phụ khí độc trước khi ra môi trường).

“Giải pháp lâu dài, bền vững vẫn là phân loại rác tại nguồn. Việc đốt rác cũng là sự lãng phí tài nguyên lớn. Nhiều quốc gia coi rác là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành. Muốn biến rác thành tài nguyên, trước hết phải phân loại rác tại nguồn”.

Ông Nguyễn Văn Liễu

Ở Bắc Giang, lò đốt có hai buồng nhưng hệ thống xử lý khí thải không hoàn thiện, giải pháp công nghệ hạ nhiệt nhanh để tránh tái tạo dioxin không đảm bảo. Tuy nhiên, cũng có địa phương có lò đốt tốt, chẳng hạn như Loshiho của một doanh nghiệp ở Nam Định. Giá trị một lò đốt khoảng 600-700 triệu đồng, công suất 100 kg rác một giờ, có hệ thống xử lý khí thải. Dự án dioxin của Văn phòng Ban chỉ đạo 33 đã phân tích khí thải thì thấy đảm bảo yêu cầu.

Còn với một số lò đốt tự xây như ở Bắc Giang hay lò đốt nhập khẩu ở Vĩnh Phúc, cần kiểm tra lại, nếu không đạt yêu cầu thì không cho phép vận hành bởi nếu ô nhiễm dioxin thì rất nguy hiểm. Trong Báo cáo Chính phủ cuối năm 2014, chúng tôi đề xuất nghiêm cấm nhập khẩu lò đốt công suất thấp không có hệ thống xử lý khí thải hoặc nếu có hệ thống nhưng không đạt quy chuẩn đang sử dụng ở cấp xã. Quan trọng nhất chính các địa phương phải hiểu vấn đề và có biện pháp.

Cần có quy chuẩn lò đốt

Với các lò đốt đang sử dụng nên xử lý như thế nào khi số tiền đầu tư không hề nhỏ?

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ

Trước mắt, các địa phương phải hạn chế tối đa đầu tư tràn lan lò đốt rác thải nhỏ như hiện nay. Với các lò đốt cỡ nhỏ đang vận hành phải tiến hành kiểm tra. Nếu không đạt chuẩn phải ngừng vận hành, sau đó cải tiến kỹ thuật đến khi đảm bảo yêu cầu về môi trường mới cho hoạt động trở lại. Với vấn đề cải tiến kỹ thuật thì không nói ngay được mà phải tùy vào từng lò đốt, có thể lắp đặt thêm thiết bị cũng có thể sửa một phần thiết kế.

Bộ TN&MT nên nhanh chóng ban hành Quy Chuẩn Việt Nam về lò đốt rác thải sinh hoạt làm hàng rào kỹ thuật loại bỏ các lò đốt không đảm bảo yêu cầu về môi trường.

Nhiều địa phương cho biết, lựa chọn lò đốt nhỏ là giải pháp bắt buộc trong bối cảnh nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt rất bức thiết hiện nay? Theo ông giải pháp nào có thể thay thế lò đốt hiện nay?

Về mặt công nghệ giải quyết rác thải nông thôn chưa có nhiều nghiên cứu. Đây là vấn đề cần có nghiên cứu chuyên sâu ở cấp bộ, ngành, quốc gia. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ cần có nghiên cứu về vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn vì công nghệ đốt chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể lựa chọn là giải pháp lâu dài.

Xin cảm ơn ông.