Tột cùng nỗi đau
Thắp nén nhang tiễn biệt lần cuối, các quân nhân cẩn thận ôm từng hũ tro cốt từ bàn thờ nạn nhân tử vong do COVID-19 của Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức (TPHCM) lên xe. Chiếc xe cứu thương chậm rãi lăn bánh đưa họ về với gia đình. Các chiến sĩ dân quân tự vệ ngồi trầm lặng, ôm chặt hũ tro cốt người xấu số...
Sau hồi lâu len lỏi qua những con đường ngoằn ngoèo, chiếc xe cứu thương dừng lại bên con đường nhỏ ở phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức). Thấy người đưa tro cốt đến, những người trong gia đình chạy ùa ra, bật khóc nức nở. Chiến sĩ dân quân tự vệ kính cẩn ôm hũ tro cốt của chị Nguyễn Thị Mai (32 tuổi), mất vì COVID-19 vào nhà, cẩn thận đặt lên bàn thờ. Người đàn ông trạc 60 tuổi, bố nạn nhân lặng lẽ đứng kế bên dõi theo từng cử chỉ mở hộp, đặt hũ tro cốt lên nơi thờ tự.
Bàn tay run run cầm bút ký vào tờ giấy nhận tro cốt, ông chỉ nói vỏn vẹn hai chữ “cảm ơn”, rồi quay mặt vào tường gạt đi những giọt nước mắt. Ông đau đớn vì “người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh”, và vì hai đứa cháu ngoại của ông phải mồ côi mẹ quá sớm.
Chị Mai là một trong 6 thành viên cùng gia đình mắc COVID-19 và được chuyển đi cách ly, điều trị ở những bệnh viện khác nhau. Các thành viên trong gia đình đều khỏi bệnh, được về nhà. Riêng chị Mai không thể vượt qua. “Chúng tôi khỏi bệnh về nhà đợi Mai về, nhưng không ngờ cháu lại về bằng cách này. Hai đứa con của Mai còn quá nhỏ, đang được gửi nhờ người thân chăm sóc, giờ mẹ chúng mất mà cũng không được nhìn mặt lần cuối”, bà Nguyễn Thị Hương Sen, dì ruột chị Mai, nói trong đau đớn.
Sau khi bàn giao tro cốt, nói lời chia buồn cùng gia đình, đại úy Lê Nam Phong, trợ lý dân quân tự vệ TP Thủ Đức cùng đồng đội vội vã ra xe để tiếp tục đưa tro cốt những người khác về gia đình. Xe vừa đi, đại úy Phong vừa kiểm tra lại danh sách tro cốt người mất rồi gọi thông báo cho từng gia đình, địa phương. Trong khi hai chiến sĩ Dân quân tự vệ ở phía sau ôm chặt hai hũ tro cốt để không bị ảnh hưởng khi xe gặp ổ gà.
Gia đình anh Võ Đăng Khoa (quận 4, TPHCM) có 6 người thì 4 người mắc COVID-19 và tự theo dõi, điều trị tại nhà. Trong đó, ông nội của anh Khoa là người lớn tuổi nhất, không may chuyển nặng và tử vong chỉ vài ngày sau đó. Đang bối rối vì chưa biết thi thể ông nội sẽ được đưa đi đâu, khi nào được nhận lại thì gia đình anh Khoa nhận được tin báo quân đội đã khâm liệm, hỏa táng và sẽ đưa về tận nhà bàn giao cho gia đình. Nhận hũ tro cốt ông nội từ tay các anh bộ đội, anh Khoa xúc động: “Không có các anh, gia đình không biết phải làm sao. Xin cảm ơn rất nhiều!”
Ban đầu, anh Khoa và vợ chưa mắc COVID-19, nhưng vì phải túc trực chăm sóc người nhà mắc bệnh nên anh chị cũng bị lây nhiễm. Do việc liên hệ cơ quan y tế những ngày qua quá khó khăn, gia đình anh tự theo dõi, điều trị tại nhà. “Cả gia đình được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 1 cách đây gần một tháng rồi nên khi mắc bệnh thì triệu chứng cũng nhẹ, tự theo dõi ở nhà khoảng một tuần thì khỏi. Riêng ông nội do có bệnh nền phải hoãn tiêm vắc-xin nên không thể qua khỏi. Nếu ông được tiêm vắc xin có lẽ không đến nỗi này”, anh Khoa chia sẻ.
Dịu lại nỗi đau
Bàn giao tro cốt, chia buồn, động viên gia đình cố gắng vượt qua mất mát, đau thương, đại úy Lê Nam Phong cùng các đồng đội lại vội vã lên đường, tiếp tục giao một hũ tro cốt khác, lúc này một người cháu của nạn nhân đứng đợi sẵn trước cửa, cúi gập người và chỉ nói được hai tiếng “cảm ơn!”.
Ngồi trên xe trở về đơn vị sau khi bàn giao xong tro cốt, anh Phong trầm tư khi nhắc lại những hoàn cảnh mà anh và các đồng đội đã gặp trong hai tuần đưa tro cốt người mất do COVID-19. Có lần, anh sững sờ khi người nhận tro cốt là một đứa bé mới 2-3 tuổi, được những người chung dãy trọ cưu mang. “Bố mẹ bé ly hôn, người bố bỏ đi đâu mấy năm nay không quay lại thăm lấy một lần. Người mẹ một mình thuê trọ, nuôi con. Giờ chị ấy bị bệnh, không qua khỏi trong khi gia đình ở Vũng Tàu cũng chỉ còn mẹ già, không thể lên đây được do giãn cách. Đứa trẻ bơ vơ được những người ở chung dãy trọ cưu mang, tro cốt người mẹ được chủ trọ cho mượn phòng để thờ tạm. Thật sự quá đau xót”, đại úy Phong ngậm ngùi.
“Chúng tôi luôn cố gắng đưa tất cả những người xấu số về với gia đình càng sớm càng tốt với hy vọng xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các nạn nhân”.
Ðại tá Nguyễn Thanh Phong,
Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Ðức
Trở về đơn vị nhưng hình ảnh đứa bé vẫn luẩn quẩn trong đầu, anh Phong báo cáo với lãnh đạo để tìm hướng hỗ trợ. Xót xa trước hoàn cảnh của nạn nhân, Ban chỉ huy Quân sự TP.Thủ Đức đã trực tiếp liên lạc, làm việc với chính quyền địa phương để kết nối với người thân ở Vũng Tàu và tổ chức chuyến xe đưa em bé cùng tro cốt người mẹ về quê bàn giao cho gia đình. “Chúng tôi luôn cố gắng đưa tất cả những người xấu số về với gia đình càng sớm càng tốt với hy vọng xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các nạn nhân”, đại tá Nguyễn Thanh Phong, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự TP.Thủ Đức khẳng định khi được hỏi về việc đưa tro cốt người dân ngoài địa bàn thành phố về nhà.
Từ khi được giao nhiệm vụ đưa tro cốt người mất vì COVID-19 về gia đình đến nay, mỗi buổi chiều, các quân nhân thuộc Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức đến Nhà tang lễ Thành phố (TPHCM) nhận tro cốt về đơn vị, chuẩn bị đồ lễ nhang khói thâu đêm. Sáng hôm sau, mọi người dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị đồ lễ, cúng cơm, thắp nén nhang tiễn biệt trước khi đưa tro cốt các nạn nhân đi.
Khi đồng hồ điểm 5 giờ sáng, đại tá Nguyễn Thanh Phong vừa cẩn thận cắt từng miếng giấy bọc lại hộp đựng tro cốt cho tươm tất, vừa nhắc các chiến sĩ đang nấu cơm, luộc trứng phải bằng tấm lòng, như lo cho chính người thân của mình. “Với tinh thần nghĩa tử nghĩa tận, sau khi nhận tro cốt từ Bộ Tư lệnh TPHCM, chúng tôi liên hệ với địa phương, gia đình để chuyển đến giao trực tiếp cho gia đình, dù là ở xa. Chúng tôi xác định đây là việc làm bằng cả tấm lòng của người lính bộ đội Cụ Hồ để làm sao mọi gia đình cảm thấy ấm lòng hơn”, đại tá Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.