Cận cảnh các vòm cầu trăm tuổi sắp được đục thông trên phố Phùng Hưng

TPO - UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội chuẩn bị đục thông sáu vòm cầu đường sắt Phùng Hưng đoạn nối từ Hàng Cót-Hàng Giấy.
Sáu vòm cầu đường sắt đầu tiên sẽ được đục thông vào tháng 12 này. Ảnh: Mạnh Thắng

Sáu vòm cầu này nằm trong tổng thể đề án đục thông 131 vòm cầu đường sắt Phùng Hưng, được UBND thành Phố Hà Nội đồng ý về chủ trương. Sau một thời gian dài khảo sát, nghiên cứu tỉ mỉ với sự tư vấn của công ty nước ngoài, Hà Nội tiến gần hơn tới dự án đục thông các vòm cầu sau nhiều năm bị bịt lại.

Theo đại diện BQL Phố cổ Hà Nội cho biết, Ban gửi hồ sơ xin cấp phép thực hiện lên Cục Đường sắt. Dự kiến dự án này khởi công đầu tháng 12 tới.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ đục thông cả 15 vòm cầu ở khu vực này, nhưng trước mắt thí điểm 6 vòm cầu. Ảnh: Mạnh Thắng
Lí do lựa chọn 6 vòm cầu này vì nó đại diện cho năm hệ kết cấu khác nhau ở cầu cạn Phùng Hưng: Có vòm bịt hai mặt ở trong rỗng, có vòm phía trong chèn cột đá, có vòm phía trong đổ cát.
Hiện tại hàng quán ăn ở khu vực này khá nhếch nhác. Sau khi đục thông, Hoàn Kiếm và BQL Phố cổ trình thành phố đồng ý chủ trương cải tạo hạ tầng, chỉnh trang mặt đứng để tạo sự đồng bộ
Đại diện BQL Phố cổ cho biết, mặt bằng thi công không mấy thuận lợi, hơn nữa trong quá trình thi công vẫn phải đảm bảo cho tàu chạy phía trên, nên công tác đục thông không tốn kém về chi phí nhưng đòi hỏi rất thận trọng về mặt kỹ thuật.
Ngay sau khi đục thông, các vòm cầu này sẽ trở thành không gian sáng tạo, không gian văn hoá, ẩm thực, thương mại dịch vụ phục vụ du khách quốc tế

Những vòm cầu sau khi đục thông tạo ra không gian sáng tạo cho Hà Nội, kết nối với không gian phố đi bộ Hàng Đào-Hàng Giấy, khu bảo tồn cấp 1 hiện nay tạo ra tổng thể không gian đi bộ khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, không gian 6 vòm cầu này sẽ tạo ra sự kết nối đặc biệt với phố bích hoạ Phùng Hưng cận kề, tạo thành điểm đến hấp dẫn.