Cận cảnh bức tranh tường kỳ tích panorama Điện Biên Phủ

TPO - Bức tranh tròn “Điện Biên Phủ” vẫn đang gấp rút hoàn thiện để phục vụ du khách tham quan. Đây được đánh giá là công trình đột phá, là kỳ tích của mỹ thuật Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ được khắc họa sinh động qua tranh tường "Điện Biên Phủ"

Người chủ trì tác phẩm là ông Nguyễn Văn Mạc cùng với các cộng sự dành ra khoảng hơn 1.200 ngày, trong đó hơn 500 ngày vẽ phác và khoảng hơn 750 ngày vẽ chính thức ngay tại Điện Biên.

Trong thể loại tranh lịch sử, đây là bức vẽ có kích thước lớn và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với chiều dài: 132m, cao 20.5m (tính cả mái vòm của tầng 2 Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ) tổng diện tích bức tranh là 3. 225m2.

Ông Nguyễn Văn Mạc là người chủ trì nhóm họa sĩ vẽ tranh tường về chiến dịch Điện Biên Phủ

Bức Tranh được bố cục gồm 4 trường đoạn: Trường đoạn 1: Toàn dân ra trận; Trường đoạn 2: Khúc dạo đầu hùng tráng; Trường đoạn 3: Cuộc đối đầu lịch sử; Trường đoạn 4: Chiến thắng.

Hơn 20 họa sỹ trẻ người nhiều nhất chưa đến 35 tuổi, người trẻ nhất mới chỉ 28, đến từ các vùng miền, chủ yếu là sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội là những người được chọn để thực hiện tác phẩm kinh điển này.
Tranh được vẽ bằng sơn dầu trên nền vải toan, các họa sỹ đã thể hiện chân thực 4.500 nhân vật được chắt lọc từ 1.500 bức ảnh tư liệu, cùng những phong cảnh núi rừng... kết hợp với phần mô hình đắp nổi cùng với các hiện vật trưng bày, tất cả được xâu chuỗi, liên kết với nhau tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh.

"Panorama Điện Biên Phủ có thể xem là một tiến bộ vượt bậc của mỹ thuật Việt Nam. Không gian rộng lớn của Chiến dịch đã được thể hiện và xử lý một cách chuyên nghiệp qua kỹ thuật sơn dầu, acrylic", họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của dự án tranh Điện Biên Phủ nói.

Để hoàn thành tác phẩm đồ sộ này, tác giả cùng với các cộng sự của ông, bao gồm các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực: lịch sử, quân sự, mỹ thuật các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, các đạo diễn phim, nhà điêu khắc có chuyên môn và kinh nghiệm đã miệt mài nghiên cứu, thu thập các tư liệu lịch sử tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sau đó việc tổ chức viết đề cương nội dung thể hiện Bức tranh được tiến hành từ năm 2014 đến năm 2017.

Tháng 8/2017 nhóm tác giả hoàn thiện xong Bức vẽ phác thảo lần 1 với kích thước nhỏ, cao 90cm, dài 13,6m trong vòng 182 ngày và tổ chức lấy ý kiến góp ý Đến tháng 2/2018 Bức vẽ Phác thảo lần 2 được hoàn thành với chiều cao 2m3, dài.... trong 357 ngày. Tháng 2/ 2019, những nét vẽ đầu tiên được Nhóm họa sỹ thực hiện tại không gian tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ theo tỷ lệ 1/1.

Các tác giả toàn thành những công đoạn cuối của tác phẩm sắp đặt kết hợp với tranh tường khổng lồ

Một góc trường đoạn "Chiến thắng" của ta khi quân Pháp đầu hàng tại chiến trường Điện Biên Phủ

"Đây là bức sử thi hội họa lớn nhất, tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng. Nhóm họa sĩ trẻ 8X, 9X thực sự đã khiến thế hệ họa sĩ tạo hình 5X, 6X bất ngờ với bút lực và sức sáng tạo khủng khiếp", họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định.

Đây là một phân cảnh Trường đoạn 3 mô tả cảnh cho nổ khối bộc phá trên đồi cao A1.
Chiến dịch Điện Biên Phủ được khắc họa như một khúc Tráng ca lịch sử, tái hiện cả một sự kiện rộng về không gian, dài về thời gian, đầy ắp mầu sắc và âm thanh, ngồn ngộn về tình tiết và nhân vật, từ những nét vẽ đầu tiên đến những nét vẽ cuối cùng.

Tái hiện chiến trường rộng lớn, sống động về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Nhóm tác giả cùng nhóm họa sỹ mong muốn gửi đến người xem những thông điệp về khát vọng giành độc lập tự do của cả một dân tộc, ý chí quật khởi, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, tạo nên chiến thắng chấn động Điện Biên Phủ