Tránh nêu ra rồi “chết yểu”
Dù rất nỗ lực, nhưng sau 20 năm phát triển, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Thủ đô mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu có cố gắng vượt bậc, từ nay đến năm 2025 (9 năm) VTHKCC có thể tăng lên con số 20%.
Như vậy, nếu thực hiện dừng hoạt động xe máy, trừ số ít những người có ô tô, gần 80% người dân chưa biết đi lại bằng gì. “Trước khi nghĩ đến việc cấm xe máy, cơ quan chức năng cần có kế hoạch phát triển các loại hình VTHKCC. Nếu không, các chính sách, chủ trương về việc này chỉ mang tính chất nêu ra rồi không làm được”, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cảnh báo.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu thực tế, không phải bây giờ thành phố mới làm nóng vấn đề dừng hoạt động xe máy, mà hơn 10 năm trước các cơ quan quản lý thay mặt thành phố từng đưa ra các phương án để triển khai nội dung trên.
Trong đó, nổi bật nhất là hai phương án: hạn chế xe cá nhân đi vào ngày chẵn lẻ và ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành. Tuy nhiên do thiếu tính đồng bộ, hiệu quả, các phương án này đã sớm phải hủy bỏ.
Trong các năm vừa qua, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa nội dung này vào các chương trình hành động, đặc biệt là chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; riêng giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đặt ra kế hoạch, trong năm 2016 Sở GTVT Hà Nội phải xây dựng xong phương án hạn chế xe cá nhân trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, nói về tiến độ thực hiện này, đại diện Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, kế hoạch trên đến nay vẫn đang chờ thêm các chỉ đạo của thành phố và lấy ý kiến các sở ngành.
Vận tải công cộng phải đạt từ 30% nhu cầu
Trước thực trạng ùn tắc giao thông ngày một trầm trọng, năm 2003 Hà Nội là thành phố đầu tiên đưa ra phương án hạn chế xe cá nhân; sau đó còn đưa ra một số phương án khác. Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều “chết yểu”.
Trước thực tế trên, Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT chủ trì phối hợp với thành phố Hà Nội và TPHCM xây dựng phương án hạn chế xe cá nhân cho mỗi thành phố. Thậm chí, trong Nghị quyết số 88/NQ-CP năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2011”. Vậy nhưng đến nay, đã 13 năm trôi qua, việc hạn chế xe cá nhân tại Bộ GTVT và thành phố Hà Nội, TPHCM vẫn chỉ loay hoay đi tìm giải pháp.
Theo các chuyên gia, để hạn chế xe cá nhân có hiệu quả, trong đó có việc cấm xe máy tại Hà Nội cần phải có lộ trình. Ở thành phố Tokyo (Nhật Bản); Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc) lộ trình này từ 7 đến 10 năm. Cùng với tuyên truyền, có lộ trình sẽ giúp cơ quan quản lý hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, trong đó có VTHKCC.
“Với thành phố Hà Nội đã có 13 năm đưa ra phương án này, lẽ ra đến nay thành phố đã thực hiện tốt việc dừng hoạt động của xe máy, thậm chí hạn chế được cả sự gia tăng của ô tô cá nhân. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo thành phố vẫn loay hoay ở việc tìm giải pháp”, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy nói.
Theo tiến sỹ Thủy, để dừng được hoạt động của xe máy, VTHKCC có tính quyết định. Do có nhiều loại hình cùng hoạt động nên khi một số thành phố ở Nhật Bản, Trung Quốc cấm xe máy, VTHKCC của họ đã phục vụ từ 40 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân.
Và khi VTHKCC đã đi lại thuận lợi, chính quyền không cần cấm, người dân cũng tự bỏ xe cá nhân. Hà Nội đã bỏ lỡ 13 năm, nhưng phương án vừa đưa ra để thực hiện việc này trong 9 năm tới vẫn còn thiếu cơ sở, và nhiều khả năng lại “chết yểu”.
Lý giải cho nhận định trên, ông Thủy dẫn chứng, cứ cho 9 năm nữa VTHKCC của Hà Nội phục vụ được 20% nhu cầu, thì tỷ lệ này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đi lại của người dân. Do vậy lãnh đạo thành phố Hà Nội cần đánh giá lại lộ trình này, cùng với đó thực hiện cấp bách một số giải pháp.
Ví như, cải tạo hạ tầng một cách đồng bộ; riêng VTHKCC ngay cả khi xe buýt nhanh và hai tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động thì cũng chỉ tăng thêm được 1 đến 3% nhu cầu, do vậy phải phát triển thêm các hình thức như tàu điện; tàu trung chuyển khách giữa khu vực nội và ngoại thành.
Tăng cường có chất lượng đội ngũ quản lý, điều hành lĩnh vực giao thông vận tải… “Chỉ khi nào VTHKCC thành phố Hà Nội đáp ứng được ít nhất 30% nhu cầu đi lại của nhân dân, lúc đó mới có thể đặt vấn đề dừng hoạt động của xe máy. Nếu không sẽ lợi bất cập hại khi người dân bỏ xe máy nhưng không biết đi lại bằng gì?”, ông Thủy lưu ý.
Tốc độ gia tăng phương tiện trên cả nước hiện nay mỗi năm từ 13 đến 15%. Với Hà Nội, ngoài 5,5 triệu phương tiện đang có, mỗi tháng Thủ đô có thêm 20.000 xe máy và 7.000 ô tô đăng ký mới (tốc độ gia tăng 15 đến 20%).