Cách gì tránh vỡ quỹ BHXH?

TP - Ngày 6/9, tại Hội thảo Chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn khẳng định, nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH là rất rõ ràng, nhưng việc lựa chọn phương án cải cách quỹ không hề đơn giản.

> Chậm đóng BHXH, phạt tăng gấp 3 lần
> Không để người về hưu bị nợ lương

Nợ đọng BHXH hơn 6.000 tỷ

Báo cáo của BHXH VN cho biết tới tháng 7/2013 số nợ đọng BHXH tại 63 tỉnh, thành phố là hơn 6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 8% số phải thu trong năm 2013.

Giám đốc BHXH TPHCM Nguyễn Đăng Tiến cho biết tại TPHCM, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH diễn biến phức tạp. Số nợ BHXH luôn chiếm trên 20% số nợ đọng của cả nước. Ông Tiến đề nghị cần nghiên cứu xác định hành vi vi phạm pháp luật BHXH để truy cứu trách nhiệm hình sự và xây dựng tội danh này trong Bộ luật Hình sự.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả.

Bà Huỳnh Thị Mai Phương, Phó GĐ BHXH TP Hà Nội cũng cho rằng nhiều vụ kiện trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động trong doanh nghiệp tại Hà Nội còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt bản án có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được.

Trước thực trạng trên, chuyên gia Carlos Galian, đại diện Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định quỹ BHXH Việt Nam có thể thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034 nếu không có những điều chỉnh kịp thời và mạnh mẽ, đặc biệt trong chính sách bảo hiểm hưu trí (BHHT).

Dưới góc độ của người sử dụng lao động, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp VN (VCCI) cũng cho rằng nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH là một thực tế. Vì vậy ông Túc đề nghị xây dựng chính sách bảo hiểm hưu trí đa tầng với nhiều mức bảo hiểm đa dạng, linh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo an toàn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn cho rằng gần đây mức bội chi cao, nợ công tăng nhanh, lạm phát cao, lãi suất danh nghĩa cao… cũng dẫn đến suy giảm sự đóng góp cho quỹ BHXH.

Ông Văn cũng cho rằng việc quản lý quỹ BHXH chưa hiệu quả cũng làm thất thoát, vì vậy đề nghị phải đảm bảo tính minh bạch của hệ thống BHXH, sao cho người dân có thể biết và kiểm tra, giám sát được. Tiếp đó phải mở rộng quá trình tham vấn về các phương án cải cách quỹ BHHT, không chỉ trong cơ quan Nhà nước, mà cả từ phía doanh nghiệp, công đoàn và người lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu?

Phó Tổng GĐ BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cho biết, do quy định về tuổi hưu hiện hành còn thấp so với thế giới, tuổi thọ trung bình của nước ta ngày càng tăng khiến thời gian trả lương hưu kéo dài dẫn đến mất cân đối quỹ.

Đại diện BHXH VN đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức viên chức với lộ trình cứ 3 năm tăng lên một tuổi và sẽ dừng lại khi tới độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại.

Chuyên gia Carlos Galian cũng cho rằng cần thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 và nhiều giải pháp đồng bộ khác như tạo hệ thống hưu trí bổ sung tự nguyện làm được như vậy sẽ gia hạn việc đảm bảo bình ổn quỹ BHXH tới năm 2080.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội khẳng định nếu thực hiện việc tăng tuổi hưu, trước sau quỹ BHHT cũng sụp đổ (sớm nhất là 2040, còn muộn nhất là 2080). Vì vậy ông Đặng Như Lợi đề nghị cần làm rõ bản chất của BHHT là gì, là bảo hiểm tuổi già hay tuổi nghề. Cần xây dựng luật riêng về BHHT vì mục tiêu, tính chất, nguyên tắc khác hoàn toàn với các chế độ BHXH còn lại.

Trong khi đó Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính nhận định đề xuất của ILO là “cực kỳ khó”. Bởi đặt vấn đề nâng độ tuổi nghỉ hưu không chỉ liên quan tới tài chính ngân sách, xã hội, mà còn liên quan tới nhiều khuôn khổ chính sách khác.

Nhiều câu hỏi được ông Chính đặt ra như nâng độ tuổi nghỉ hưu thì cơ hội việc làm và thăng tiến của những người trẻ tuổi ở đâu? Sức hấp thụ lực lượng lao động của các cơ sở sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo nghề ra sao?

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân đề nghị, cần xiết lại các chế tài để bịt các lỗ hổng làm thất thoát quỹ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị cần thực hiện các biện pháp tức thời như minh bạch chi phí quản lý quỹ BHXH, phải thu được nợ đọng BHXH, đưa tội danh trốn đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự giống như tội trốn thuế.

Theo Báo giấy