TP - Ông lão Santiago “một mình một thuyền câu cá trên dòng Nhiệt lưu và đã tám mươi tư ngày qua không bắt được một mống cá nào”. Câu văn đầu tiên của thiên tiểu thuyết “Ông già và biển cả” góp phần đưa Ernest Hemingway lên hàng đại văn hào thế giới, là như vậy.

Thật kỳ lạ, nó trùng khớp với 84 ngày qua người dân 4 tỉnh miền Trung xứ mình cũng không có cá. Một thứ “salao” – vận rủi tệ hại, theo cách nói của Hemingway.

Suốt ba ngày đêm một mình vật lộn rã rời với con cá kiếm khổng lồ dài hơn cả chiếc thuyền câu nơi vùng biển Giếng Lớn, có lúc lão Santiago tự hỏi: Con người có đủ tư cách ăn thịt con cá này không? Rồi lão tự trả lời: “Không, chẳng một ai có đủ tư cách để ăn thịt nó bởi cái cách cư xử đĩnh đạc và phong độ của nó”. Nhưng trên đường kéo nó vào bờ, lão bất lực trước đàn cá mập hung hãn, tham lam giành xé con cá đến miếng cuối cùng. Đó là ngày thứ 84+3

Vùng biển Giếng Lớn ấy thật xa, như chính khát vọng của lão ngư Nam Mỹ, để thậm chí lão phải thốt lên “mình đi xa quá”. Khi con thuyền của lão “để lại mùi đất sau lưng, chèo vào vùng hương tinh khôi của đại dương”.

Miền Trung - vùng Giếng Lớn tinh khôi trước biển Đông, vừa trải qua 84 ngày “Cá khóc/Mắt đầy lệ” (thơ Haiku của Matsuo Basho). Một tai họa lớn gây ra bởi chất độc từ nhà đầu tư vô trách nhiệm. Từ sự thờ ơ thiếu quản lý của giới hữu trách…

Formosa đã phải cúi đầu nhận tội tàn sát môi trường biển các tỉnh bắc miền Trung những ngày qua. Và cam kết đền bù, khắc phục hậu quả, quản lý ô nhiễm… Dư luận, báo chí và giới luật sư tại Đài Loan cũng mạnh mẽ phản đối hành vi tàn phá môi trường của doanh nghiệp nước mình, gọi ngày 30/6 khi lãnh đạo công ty cúi đầu xin lỗi là ngày “đáng xấu hổ”. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định sẽ đóng cửa Formosa nếu tái diễn đầu độc môi trường. 

Nhưng cá mập, như loài cá mập Mako trên vùng biển Giếng Lớn, “mọi thứ trên người nó đều đẹp, trừ bộ hàm”. Không khi nào được phép buông lơi cảnh giác.

“Thỉnh thoảng những người yêu biển cũng buông lời nguyền rủa biển, nhưng họ luôn nói như thể biển là phụ nữ”. Một trong những câu hay nhất của Ông già và biển cả. Dù rằng trên đời luôn có những tay đánh cá gọi biển là “el mar”, tức giống đực. “Chúng nói về biển như một đối thủ, một địa điểm hay thậm chí là một kẻ thù”.

Người miền Trung, người dân Việt không bao giờ bỏ biển. Khi biển hiền hòa, hay cuồng nộ bão lốc. Và những lúc biển đang lả đi vì thương tích như những ngày này.

Câu hỏi của những lão ngư Santiago miền Trung, giờ không phải con người có đủ tư cách ăn thịt con cá này không? Mà là cả vùng biển này, làm sao đừng để lũ cá mập tiếp tục sát hại ?