Buông & siết

TP - Một thực tế đau đớn là chỉ tiêu tạo việc làm trong nước năm 2011 giảm tới 4,9% so với năm trước, chỉ đạt 95,84% kế hoạch khi có hơn 1,4 triệu người được tạo việc làm mới.

> Trải nghiệm

Dù Bộ LĐ-TB&XH viện lý do vì lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao, sản xuất kinh doanh gặp khó... nhưng rõ ràng có một phần lý do từ sự gia tăng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp của lao động Việt Nam trong độ tuổi năm 2011 vẫn ở mức cao (theo công bố của Tổng cục Thống kê là 2,27%), sự ồ ạt của lao động nước ngoài, nhất là lao động phổ thông vào Việt Nam thời gian qua đã khiến người ta phải suy nghĩ.

Không suy nghĩ sao được khi mà hàng triệu lao động Việt Nam chưa có việc làm, phải sang xứ người kiếm kế sinh nhai, trong khi cơ quan chức năng trong nước lại buông lỏng quản lý, để lao động nước ngoài tung hoành khắp nơi.

Thực tế, từ Bắc vào Nam, đến đâu, người ta cũng đụng lao động nước ngoài. Bên cạnh các kỹ sư, các chuyên gia kỹ thuật, ở hầu hết các công trình do người nước ngoài trúng thầu, người ta thấy rất nhiều lao động nước ngoài làm các công việc giản đơn.

Nhiều chuyên gia việc làm cho rằng, việc lao động nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam sẽ khiến cho lao động trong nước không có việc làm gia tăng và gây nên nhiều hệ luỵ cho xã hội. Đồng ý là việc cam kết gia nhập WTO, Việt Nam không thể không hội nhập và mở cửa.

Việc đón nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiếp nhận những kỹ thuật công nghệ cao của các nước trên thế giới cũng như việc dịch chuyển lao động, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc là điều bình thường.

Nhưng điều đáng lưu ý là, theo như bà Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Bộ trưởng LĐ-TB&XH, nay là Phó Chủ tịch Quốc hội từng khẳng định, quan điểm của Việt Nam là không tiếp nhận lao động phổ thông mà mở cửa tiếp nhận chuyên gia và lao động có kỹ thuật vào làm việc tại các công trình ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, chúng ta không cấm cửa vì hiện Việt Nam vẫn đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Vấn đề là khi lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc thì phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam” - bà Ngân nói.

Do đó, chúng ta phải chấp nhận việc có mặt của lao động nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để thu hút nguồn lao động nước ngoài có chất lượng, việc cần phải làm ngay từ bây giờ là soi kỹ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan và có sự phối hợp chặt chẽ.

Hằng năm, theo quý phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đang hoạt động tại địa phương có sử dụng lao động nước ngoài. Khi thanh kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, nhất quyết phải xử lý nghiêm.

Và quan trọng hơn, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng lượng hóa tiêu chí và được giám sát chặt chẽ. Có như thế mới tạo được môi trường sử dụng lao động ổn định, lành mạnh, bình đẳng.

Theo Báo giấy