Bông súng 'ma' nở rộ trắng cả cánh đồng

TPO - Mưa nhiều, một số vùng trũng ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) ngập sâu không thể canh tác lúa. Nước ngập, cây súng mọc dại khắp các cánh đồng rồi nở hoa về đêm, được người dân gọi với tên bông súng “ma”. Việc thu hoạch bông súng "ma" có cuống dài tới vài mét mang lại nguồn thu nhập cho không ít người dân mùa nước nổi.

Bông súng "ma" là loại rau đặc sản, phổ biến ở miền Tây, nhất vào mùa nước nổi. Bông súng mọc dại khắp nơi, từ sông rạch, đồng ruộng ngập nước.

Mùa thu hoạch súng dại thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch.

Bông súng thường nở vào ban đêm, cuống hoa nhỏ, hoa nổi trên mặt nước nên nước ngập tới đâu hoa vươn dài theo tới đó. Bông súng thường có màu trắng, tím, hồng.

Nước đến đâu bông súng vươn theo đến đó, có những vùng nước sâu bông súng dài vài mét, những vùng nước thấp bông súng cũng được hơn 1 m.

Người dân hái bông súng chỉ cần đi xuồng ra đồng súng rồi nắm phần cuống phía dưới bông kéo mạnh lên, phần mềm của cuống bông sát với gốc cây sẽ tự đứt.

Bông súng "ma" và mùa nở rộ trắng cả cánh đồng.

Do năm nay mưa nhiều, nước lên cao nên một số nơi vùng trũng ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) không thể trồng lúa, trở thành đầm nước màu mỡ cho cây súng dại phát triển.

Không trồng được lúa, nhưng bù lại 4.000 m2 đất trồng lúa của bà Trần Thị Ẩn (80 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) mọc đầy bông súng "ma". Hàng ngày, bà Ẩn lội ruộng nhổ bông súng kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Bà Trần Thị Ẩn đã có 7 năm nhổ bông súng bán, có khi bà đi bán được 50.000-60.000 đồng mỗi buổi sáng.

Bông súng "ma" ăn mềm hơn bông súng đồng nên được thương lái thu mua nhiều.

Trung bình mỗi ký bông súng "ma" được người dân bán với giá từ 2.000-3.000 đồng.

Mỗi ngày, một người nhổ bông súng "ma" bán cũng thu nhập được từ 50.000-100.000 đồng.

Bông súng có thể chế biến các món ăn như gỏi bông súng, canh chua, lẩu mắm, hay có thể ăn sống chấm với mắm kho...