Phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc: Du lịch gặp nhiều rủi ro

TP - Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra trong buổi thảo luận chuyên đề về “Tương lai của ngành du lịch Việt Nam” do Liên chi hội khách sạn Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tại Đà Nẵng.

Hàn Quốc và Trung Quốc hiện chiếm gần một nửa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó Hàn Quốc là thị trường lớn nhất với hơn 3 triệu lượt, chiếm 26% (số liệu tháng 8/2024); Trung Quốc xếp ở vị trí thứ hai với hơn 2,4 triệu lượt (chiếm 21%).

Phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc: Du lịch gặp nhiều rủi ro ảnh 1

Việc phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường sẽ khiến ngành du lịch gặp rủi ro. Ảnh: Thanh Hiền

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý điểm đến Outbox chia sẻ, đây là hai thị trường lớn truyền thống và chắc chắn vài năm nữa cũng khó thay đổi được. Theo ông, Đông Nam Á là thị trường 600 triệu dân, do đó nguồn khách từ thị trường này chiếm ưu thế trong cơ cấu khách quốc tế của Việt Nam, mà cụ thể là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, xu thế của du lịch nội vùng hiện đang tăng trưởng nhanh ở các nước. “Chẳng hạn như với thị trường châu Âu, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để thu hút nhưng vẫn không tăng trưởng lên nhiều. Du khách thường có xu hướng du lịch nội vùng, đi tới những nước trong khu vực, châu lục của họ trước. Do đó vài năm nữa Việt Nam cũng khó có thể thay đổi được thị trường chủ lực Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Phước dẫn chứng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng thừa nhận Hàn Quốc, Trung Quốc đang là thị trường chủ đạo truyền thống của Đà Nẵng. Riêng Hàn Quốc thời gian gần đây chiếm gần một nửa tổng lượng khách quốc tế.

Các đại biểu nhìn nhận, nếu cứ phụ thuộc vào hai thị trường này, du lịch sẽ rơi vào thế khó nếu chẳng may họ gặp biến cố hoặc cú sốc lớn. Minh chứng cụ thể nhất là đại dịch COVID-19, du lịch nhiều tỉnh thành đã “méo mặt” vì hụt nguồn khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Vì vậy, cần phải hướng đến nguồn khách bền vững hơn, chi tiêu cao hơn. Các đại biểu cũng chỉ ra, tiềm năng thấy rõ nhất là thị trường tỉ dân Ấn Độ với những đoàn khách “khủng”, những đám cưới xa hoa, chi tiêu bạo tay. Mới đây nhất, cuối tháng 8, Việt Nam đã đón đoàn khách Ấn Độ với hơn 4.500 người đi du lịch nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Theo ông Cao Trí Dũng, để tạo thêm tính đột phá, đồng đều thị trường, Đà Nẵng cần tập trung khai thác thị trường châu Úc, châu Mỹ vì thị trường này chi tiêu cao, thích trải nghiệm, mê văn hóa Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam cho hay, Việt Nam được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá là một trong 10 quốc gia có ngành du lịch phát triển nhất thế giới. Cả nước đã có đến 38.000 cơ sở lưu trú. Trong bối cảnh hội nhập, ngành du lịch nói chung và các khách sạn nói riêng cần ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển. Đây cũng là yếu tố nâng cao trải nghiệm du lịch của du khách quốc tế khi đến Việt Nam, thể hiện ngành du lịch nước ta hội nhập, hiện đại, đáp ứng được mọi yêu cầu của du khách.

MỚI - NÓNG