Bộ trưởng Nội vụ nói về thực trạng 'nhân tài' ở Đà Nẵng xin thôi việc

TPO - Điều cốt yếu theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là phải bố trí đúng người, đúng việc, chứ không phải cứ những người học giỏi, có trình độ, có bằng cấp mà đặt vào bất cứ vị trí nào.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã phân tích làm rõ sự việc 40 “nhân tài” ở Đà Nẵng xin nghỉ việc cũng như chính sách trọng dụng nhân tài hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng: trọng dụng những người học tập đạt thành tích tốt, đã chứng minh được trong thực tiễn về khả năng, năng lực làm việc.

Điều quan trọng trong vấn đề này, theo ông Tân là phải bố trí đúng người, đúng việc, chứ không phải cứ những người học giỏi, có trình độ, có bằng cấp mà đặt vào bất cứ vị trí nào. Bên cạnh đó cũng phải tạo môi trường cho họ phát huy năng lực, sở trường của mình; theo dõi, tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ công chức, viên chức trẻ phát triển; và phải có chính sách đề bạt, bổ nhiệm, thậm chí là cả chính sách về lương bổng, thu nhập cho họ.

Tuy nhiên, bản thân những người được trọng dụng cũng không được tự mãn. Nghĩa là phải cần thời gian để họ kiểm nghiệm trong thực tế. Trong khi đề bạt, bổ nhiệm, các cơ quan cũng phải theo dõi đến thời điểm chín muồi thì mới thực hiện.

“Chính sách chỉ được thực hiện khi nào nhân tài chứng minh được bản lĩnh, phát huy được năng lực. Nếu trong thời gian nhất định mà người được trọng dụng không thể hiện được, không chứng minh được, không đáp ứng được yêu cầu thì xem như họ không đáp ứng được yêu cầu”, ông Tân cho hay.

Hiện nay, một số địa phương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng trong việc tuyển dụng công chức. Nhưng theo ông Tân, vì cái chung, các địa phương nên làm theo quy định của Chính phủ. Bởi tuyển dụng công chức phải thực hiện theo quy định chung, chứ không nên từng địa phương ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ chính sách riêng được.

Một góc thành phố Đà Nẵng về đêm

Trong thời gian qua, những trường hợp tuyển dụng mà áp dụng chính sách không đúng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết xem xét xử lý và thu hồi.

Quay trở lại với trường hợp “nhân tài” Đà Nẵng, dù được đưa vào bộ máy hành chính nhưng lại ở chế độ hợp đồng, họ cảm thấy công việc không ổn định nên xin rút. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào cho việc này?

Theo ông Lê Vĩnh Tân, hiện có hai phương thức vào công chức là tuyển dụng không qua thi tuyển và phải thi tuyển. Trong đó, tuyển dụng không qua thi tuyển là những trường hợp rất đặc biệt, chỉ chiếm từ 10-15%. Còn tuyển dụng thông qua thi là phổ biến để tuyển dụng nhân tài.

“Sắp tới Bộ Nội vụ có chủ trương khuyến khích vấn đề thi tuyển vào công chức, để chọn đúng nhân tài và tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Vậy nên với những người thực sự có tài năng, thậm chí những sinh viên vừa mới ra trường, cứ tự tin đăng ký thi tuyển vào công chức”, ông Tân nói.

Cũng theo bộ trưởng, trong cải cách tiền lương lần này có đặt vấn đề trả lương theo vị trí việc làm. Anh có thể là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, chuyên gia thì chế độ chính sách cũng không thua kém so với những người có chức vụ lãnh đạo.

“Cánh cửa này rộng mở hơn với công chức, bởi chúng ta thấy công chức thì nhiều, chức vụ lãnh đạo thì ít. Như vậy, chúng ta có thể đi theo con đường chức nghiệp để phát triển sự nghiệp”, ông Tân nhấn mạnh.