Vụ 40 'nhân tài' xin thôi việc: Lời chia sẻ nghẹn đắng

Vụ 40 'nhân tài' xin thôi việc: Lời chia sẻ nghẹn đắng
TPO - “Làm việc cho thành phố nhiều năm vì muốn cống hiến, vì  trách nhiệm của một học viên Đề án và có cả niềm vui. Còn vì lương thì không ai làm cả”.  

Đó là chia sẻ của chị Đ.N, một học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) liên quan tới việc 40 “nhân tài” xin thôi việc. Chị N. tham gia vào đề án năm 2005, đi học tại Pháp. Ba năm sau được bố trí về làm tại một Sở. Chị cho hay công việc phù hợp với chuyên ngành, môi trường làm việc cũng không quá nhàm chán.

“Lương thì lương nhà nước, rất thấp, lúc mới vào hợp đồng chỉ 1,7 triệu/tháng. Suốt 7 năm làm việc mức lương của tôi nhận được cũng chỉ loanh quanh ở con số 4 triệu. Bản thân mình cũng xác định rằng làm việc cho thành  phố vì muốn cống hiến, vì  trách nhiệm của một học viên và có cả niềm vui. Còn vì lương thì nói thẳng ra không ai làm cả”, chị nói. Sau khi thực hiện xong cam kết với thành phố vài năm, chị.N. đã nghỉ việc tại Sở này và chuyển tới làm việc ở một thành phố khác.

Trong khi đó, chị L.N., một “nhân tài” khác vừa nghỉ việc cách đây không lâu tâm sự rằng chị không hứng thú, phù hợp với công việc được phân công. “Ngành học của mình thích hợp với công việc năng động, tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn hơn chứ không phải ở  môi trường bó hẹp và bình lặng  trong văn phòng vậy”, chị nói.

Suốt quá trình thực hiện công việc theo cam kết với Đề án, chị cho hay tổng các khoản lương, phụ cấp của chị cao nhất chỉ khoảng 8 triệu/tháng, trong khi đó phải nuôi con ăn học. Hiện tại, khi đã hoàn thành thời hạn phục vụ cho thành phố, chị đã làm việc cho một đơn vị tư nhân, với công việc phù hợp với năng lực và niềm yêu thích của bản thân hơn.

Vụ 40 'nhân tài' xin thôi việc: Lời chia sẻ nghẹn đắng ảnh 1 Sở KHĐT hiện có 10 học viên Đề án 922 đang công tác. Ảnh: Thanh Trần.

Về việc các “nhân tài” bỏ cuộc giữa chừng, chị H.T, một học viên tham gia đề án từ năm 2009 và hiện đang công tác tại một Ban, chia sẻ rằng đề án là một trong những lựa chọn đúng đắn của sự nghiệp mỗi người. Để được kí hợp đồng, bản thân học viên phải nỗ lực rất lớn trong những năm cấp 3 và đó cũng chính là động lực để họ phấn đấu. Việc yêu cầu thời gian làm việc là một trong những điều kiện đã nêu trong hợp đồng, một khi đã đặt bút kí tên phải chịu trách nhiệm.

“Bạn dùng tiền của thành phố để đi học thì nhất định bạn phải trả cả vốn lẫn lãi, bằng cách này hay cách khác. Nếu nghỉ giữa chừng thì rõ ràng vi phạm hợp đồng, sai về lý. Ở chữ tình, xét về góc độ nào đó vẫn không trọn vẹn. Tuy nhiên mỗi người một môi trường làm việc, một hoàn cảnh khác nhau nên có thể có nhiều lý do khiến họ phải xin rút khỏi đề án”. Chị cho biết thêm bản thân sau khi tốt nghiệp đã nhanh chóng được bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành cũng như năng lực, rất hài lòng với môi trường làm việc hiện tại.

Tại Sở KH&ĐT, nơi có 14 học viên Để án được bố trí về công tác thì có 3 trường hợp phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian làm việc như cam kết. “Các học viên đưa ra lý do xin thôi việc và rút khỏi đề án là vì muốn sum họp với giá đình hoặc muốn tìm cơ hội mới theo sở thích. Nhưng còn một lý do nữa mà họ ngại nói ra là mức lương không như mong muốn”, đại diện Sở cho hay. Hiện tại, còn 10 học viền Đề án đang làm việc tại đây.

Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng (Trung tâm), tính đến ngày 18/4/2018, thành phố cử 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922, 460 lượt học viên tốt nghiệp và bố trí công tác. Có 93 người xin rút khỏi Đề án, trong đó  40 người xin rút khỏi Đề án khi đã nhận công tác với lý do sức khỏe, gia đình hoặc mong muốn tìm công việc khác phù hợp hơn.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.