Bỏ tiền túi trả BHXH, chờ công ty trả... gạch
Ông Nguyễn Công Sơn (47 tuổi, ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) kể, ông làm công nhân kỹ thuật cho Cty CP Xây dựng Hancorp 2 (thành phố Thanh Hóa) từ năm 1991. Công ty hoạt động khó khăn, nên từ tháng 6/2012 đã phải nợ BHXH của công nhân. Trước tình hình công ty không mấy tươi sáng, ông Sơn và khoảng 15 người khác đã đàm phán với công ty để tự bỏ tiền túi trả số tiền BHXH công ty chưa đóng (cùng với tiền phạt, lãi suất phát sinh) để chốt BHXH và nghỉ việc. Cuối năm 2013, anh Sơn làm hồ sơ chốt sổ BHXH và tự bỏ 33 triệu đồng công ty còn nợ để đóng BHXH. Mức lương anh Sơn được công ty trả trước khi nghỉ là 4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Sơn, giải pháp ứng tiền túi để chốt sổ BHXH là tối ưu nhất, vì số nợ sẽ không tăng thêm, còn nếu vẫn để cho công ty trả thì chưa biết đến bao giờ. Trong khi nếu tới tuổi nghỉ hưu, Cty Hancorp 2 vẫn chưa trả được nợ BHXH, ông Sơn cũng không đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí. Đến lúc đó, ông mới bỏ tiền túi ra trả nợ để được chốt sổ BHXH và hưởng chế độ thì số tiền phải đóng lại quá lớn.
“Tình hình công ty khó khăn cũng không trông mong gì được, nên cứ móc túi trả trước để cầm sổ về, còn nợ với công ty sẽ tìm cách đòi sau”, ông Sơn nói. Theo đó, số tiền ông Sơn bỏ ra để trả nợ BHXH đã được Cty Hancorp 2 ghi giấy nợ và sẽ trả bằng sản phẩm. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi đòi, tới nay ông Sơn vẫn chưa nhận được đồng nào. Ông nhẩm tính, nếu giá gạch là 800 đồng mỗi viên, công ty phải trả cho ông hơn 40.000 viên gạch để gạt tiền nợ BHXH. Được biết, Cty Hancorp 2 nợ BHXH từ tháng 6/2012 đến nay khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, hằng tháng công nhân nhận lương vẫn bị trừ phần tiền đóng BHXH.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện cũng nợ BHXH, nhưng việc thu hồi tiền nợ còn khó hơn. Thậm chí, nhiều chủ doanh nghiệp FDI khi ngập trong nợ nần đã lặng lẽ rời Việt Nam, bỏ người lao động bơ vơ với đống nợ. Ngày 26/2/2018, hơn 2.000 công nhân Cty TNHH Texwell Vina (vốn Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã không thể đi làm lại sau tết khi chủ đã đóng cửa công ty và rời khỏi Việt Nam.
Công ty này nợ BHXH từ tháng 7/2017, với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng. Do Cty Texwell Vina nợ BHXH, nên công nhân không thể chuyển sang công ty khác làm việc, vì không thể chốt sổ. Còn ở lại thì không có việc làm nuôi gia đình. Sự việc chỉ được giải quyết khi Đồng Nai ứng ngân sách trả nợ BHXH cho công nhân.
Mới chuyển 1 hồ sơ để khởi tố
Chiều 27/3, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam cho hay, hiện tổng số nợ BHXH là 12.960 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH khoảng 10.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế khoảng 2.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 100 tỷ đồng. “Qua thanh kiểm tra, xử phạt, nhiều doanh nghiệp đã tự động khắc phục”, ông Thắng nói.
Dù quy định khởi tố doanh nghiệp nợ BHXH đã có hiệu lực, nhưng không phải doanh nghiệp nào nợ, BHXH Việt Nam cũng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố. Trước mắt, BHXH Việt Nam ưu tiên thực hiện đôn đốc, thanh kiểm tra để thu hồi nợ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, sau đó nếu doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ mới chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. “Tới nay mới có BHXH TPHCM chuyển hồ sơ 1 công ty có vốn nước ngoài sang cơ quan công an đề nghị khởi tố tội chiếm dụng BHXH. Chủ doanh nghiệp này cũng có dấu hiệu rời khỏi Việt Nam”, ông Thắng nói.
BHXH Việt Nam cho hay, hết năm 2017, cả nước có 100 doanh nghiệp FDI nợ BHXH nhưng chủ đã bỏ trốn. Theo lãnh đạo Ban Thu BHXH Việt Nam, việc thu hồi nợ BHXH với các doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn rất khó khăn. Điều này do tài sản của doanh nghiệp để lại không lớn, bán thanh lý chưa đủ để trả nợ ngân hàng, trong khi nợ BHXH không phải là khoản thanh toán ưu tiên khi thanh lý tài sản doanh nghiệp.
Về giải pháp ngăn chặn chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại đống nợ BHXH, đại diện BHXH Việt Nam cho hay, khi doanh nghiệp FDI nợ tiền BHXH, cơ quan BHXH sẽ theo dõi, thanh kiểm tra ngay. Nếu các ông chủ này có ý định rời Việt Nam sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn.
Về trách nhiệm của cơ quan BHXH Việt Nam trong bảo vệ quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay, cơ quan này chỉ thực hiện 3 việc. Đó là: Nắm bắt các doanh nghiệp nợ BHXH; thực hiện thanh kiểm tra để thu hồi nợ; thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn các ông chủ bỏ trốn. “BHXH không có quyền bắt hay thu hồi giấy phép với các doanh nghiệp nợ BHXH, nên muốn xử lý phải đề nghị các cơ quan chức năng khác vào cuộc. Sau một số vụ việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn làm ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động như vừa qua, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường giám sát để có giải pháp bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động”, ông Ánh nói.
Về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH trong vấn đề chủ doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trách nhiệm của bộ là phối hợp với cơ quan BHXH để giám sát các doanh nghiệp nợ BHXH. Đồng thời xây dựng khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người lao động, như bộ đang xây dựng Dự thảo Nghị định bảo vệ quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp nợ BHXH nhưng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Trong đó, đưa thanh toán nợ BHXH vào diện ưu tiên chi trả sau khi có tiền bán thanh lý tài sản doanh nghiệp.