Bỏ kiểm dịch trứng gia cầm: Lo tái phát dịch cúm gia cầm

TP - Miễn kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, trứng gia cầm tươi và chế biến như trứng bắc thảo, trứng muối, trứng lộn, trứng ăn liền… là quy định trong Thông tư 25 do Bộ NN-PTNT ban hành, có hiệu lực từ 15/8. Điều này đồng nghĩa tất cả các loại trứng đều bị đánh đồng và nguy cơ tái phát dịch cúm sẽ trỗi dậy.
Trứng gia cầm được bỏ kiểm dịch.

Trước ngày Thông tư có hiệu lực ít bữa, thị trường trứng sôi nổi hẳn. Không chỉ người kinh doanh trứng mà các cửa hàng kinh doanh thức ăn cũng đầy phấn khởi.

Vô tư... tự quyết

Tại chợ trứng gia cầm trên đường Phú Hữu (Q.5, TPHCM), bà Bảy Muội, một tiểu thương có thâm niên 10 năm buôn trứng mau mắn: “Tui biết thông tin này được vài tuần rồi nên tranh thủ thời cơ làm bao, nhãn mác tên vựa để quảng bá trứng. Giờ trứng nào cũng như nhau, tôi chỉ việc mua trứng từ trang trại rồi đóng bao bì có tên mình là có thể đưa hàng ra thị trường”.

“Thông tư 25 có hiệu lực, các tỉnh sẽ không quan tâm, thậm chí buông lỏng việc kiểm soát, khả năng tái phát dịch cúm gia cầm sẽ cao. Bỏ kiểm dịch thì khả năng trứng từ các tỉnh phía Bắc, từ Trung Quốc tràn vào khi có chênh lệch giá”. 

Ông Phan Xuân Thảo -Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM lo lắng

Không riêng gì bà Muội, nhiều tiểu thương kinh doanh trứng nhỏ lẻ khác cũng tranh thủ làm thương hiệu. Chị Ngọc, sạp ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, tính toán: “Giờ không phải qua khâu trung gian, không mất phí kiểm dịch nên mình xuống thẳng trại mua, rồi nhắm trứng bán sao cho rẻ nhất mà vẫn đảm bảo có lãi là “đẩy hàng”. Theo chị Ngọc, tiểu thương bán lẻ buộc phải lấy trứng ở đại lý cấp 1 hoặc cấp 2. Nếu trứng có giá 1.700 đồng/quả loại 1 thì khi bỏ vào hộp, đại lý nâng giá lên 2.200 đồng/quả. Chưa hết, cứ sáng sớm ra là lực lượng thú y đã túc trực ở các quầy để thu tiền kiểm dịch mỗi quả trứng 10 đồng. Bên cạnh đó, đại lý còn khống chế giá nên tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ gặp không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng tỉnh Đồng Nai nói: “Nhiều năm liền người chăn nuôi bị đại lý cấp 1, cấp 2 và doanh nghiệp bình ổn khống chế, chèn ép. Có khi trứng nhiều, đầu nậu ép giá nhưng đem lên thành phố bán lại rất cao, có khi hơn 40 - 60% so với tại trại. Bây giờ không còn kiểm dịch nữa, chúng tôi có thể đem trứng lên TPHCM bán thoải mái”.

Theo các trang trại, trước đây đa số đều chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát nên cần quản lý quả trứng chặt chẽ. Nhưng cả chục năm nay, đa số các trại đều đầu tư quy mô lớn, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng thì không lý gì cứ áp dụng mãi biện pháp kiểm dịch. Khi cắt được các khâu trung gian, phí kiểm dịch cộng với các phí vô hình khác thì giá thành quả trứng từ trang trại đến tay người dùng sẽ giảm đáng kể.

Lo nguy cơ tái phát dịch

Trong khi người buôn trứng vui mừng thì các doanh nghiệp lại lo lắng. Bởi, để cho ra thị trường những quả trứng đạt tiêu chuẩn, họ đã phải đầu tư máy móc, công nghệ hàng tỷ đồng. Nay trứng bị “đánh đồng”, thậm chí trứng trôi nổi ngoài thị trường có giá rẻ hơn gấp nhiều lần thì quả trứng có thương hiệu không thể cạnh tranh lại. 

Ông Trang, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh trứng tại TPHCM, vừa đầu tư gần 2 tỷ đồng mua trang thiết bị xử lý trứng. Thế nhưng khi biết tin này, ông rất ngao ngán vì lo không cạnh tranh lại với giá bên ngoài thị trường. “Mỗi quả trứng được xử lý, cho vào bao bì, đóng nhãn mác trước khi ra thị trường chỉ có chi phí cao hơn từ 200-300đồng so với trứng không được xử lý, đóng gói. Hàng của tôi không vào siêu thị mà chủ yếu bán ở thị trường tự do. Khi không chứng nhận kiểm dịch, người tiêu dùng mặc nhiên cho rằng trứng nào cũng an toàn, thế nên dù chỉ nhích hơn 100 đồng thì họ cũng chê đắt”.

Khi trứng không còn phải kiểm dịch đồng nghĩa với việc cơ quan thú y mất vai trò trong việc giám sát quả trứng, lực lượng kiểm soát chỉ còn quản lý thị trường và cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông P. – chuyên viên nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT TPHCM cho rằng, kiểm dịch trứng gia cầm là biện pháp chính để kiểm soát dịch cúm gia cầm. Hiện nay, Sở NN-PTNT đang thực hiện đề án quản lý thực phẩm theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nếu không còn giấy kiểm dịch mà quản lý thị trường không quản lý tốt, e rằng sẽ chẳng còn doanh nghiệp nào mặn mà.