Bộ Công Thương phủ nhận 'cử lái xe đi làm tham tán thương mại'

Tổ công tác của Thủ tướng nêu nhiều vấn đề với Bộ Công Thương, từ công tác cán bộ, thoái vốn ở một số doanh nghiệp lớn, đến chính sách cho công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng. Ảnh: H.T

Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) cho biết, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề xây dựng kỷ cương, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Công Thương. Thời gian qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận liên quan đến công tác nhân sự ở Bộ, qua đó có những vấn đề phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Lấy ví dụ việc cử cán bộ đi làm tham tán thương mại ở nước ngoài, ông Mai Tiến Dũng lưu ý, Bộ Công Thương phải chọn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn. "Việc cử lái xe sang làm tham tán thương mại, nếu có, phải xem xét kỹ. Không thể nào một vị trí quan trọng lại sử dụng cán bộ như vậy, đi làm việc riêng hơn việc chung thì không ổn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa góp ý, Bộ Công Thương cần quyết liệt hơn nữa trong tinh giản biên chế, bộ máy cán bộ. "Tái cơ cấu công tác cán bộ rất quan trọng, nếu cứ cắt lẻ nhiều vụ, cục thì sự liên kết thế nào. Có tới 32 trường trực thuộc Bộ thì có cần thiết không, vì sẽ rất lãng phí", ông Nguyễn Trọng Thừa nêu thực tế.

"Những khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm cán bộ là bài học sâu sắc", Bộ trưởng Tuấn Anh nói và thông tin, hàng loạt công việc đã được Bộ rà soát, đánh giá và cơ quan này sẽ sớm triển khai theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Về tình trạng cử lái xe đi làm cán bộ tham tán ở nước ngoài, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: “Ở đâu đó thì có, còn thực tế qua kiểm tra tại Bộ Công Thương hoàn toàn không có chuyện này”. Người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh, cơ quan này sẽ tái cơ cấu bộ máy, cán bộ tại các đơn vị trực thuộc, trong đó có cơ quan thương vụ ở nước ngoài, tinh thần là đổi mới thực chất.

Ông Tuấn Anh cho rằng, không nên hiểu Bộ Công Thương là khuôn mẫu của bộ máy cồng kềnh. “Đúng là Bộ có buông lỏng, nhưng chỉ là cá biệt, chứ không phải mẫu số chung”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói và nhấn mạnh, cơ quan này đang giải quyết, xử lý những vấn đề tồn tại trên tinh thần “sai đâu sửa đó”.

Đẩy nhanh lộ trình thoái vốn

Tại cuộc làm việc, Tổ công tác yêu cầu cơ quan quản lý ngành công thương làm rõ việc một số tập đoàn lớn thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả tập trung ở Bộ Công thương, vai trò quản lý Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty này thế nào...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ Bộ Công Thương phải dứt khoát thoái vốn Nhà nước ở lĩnh vực không cần nắm giữ. "Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Phải quyết tâm thực hiện lộ trình thoái vốn, bán vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty mà Bộ đang nắm giữ", Tổ trưởng Tổ công tác nói và góp ý "phải rút ngắn thủ tục để quá trình thoái vốn càng sớm càng tốt".

Về các dự án làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, cơ quan này đang rà soát, đánh giá, nhưng không thể nóng vội và giải quyết được trong thời gian ngắn vì có những "tồn tại lịch sử từ 10-15 năm trước".

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: H.T

Phản ứng chính sách chậm

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng phê bình Bộ Công Thương trong một số trường hợp còn phản ứng chính sách chậm trước những diễn biến của thị trường, nền kinh tế.

Người đứng đầu ngành công thương thừa nhận, phản ứng chính sách của cơ quan này còn chậm. Tuy nhiên, để khắc phục bất cập này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì cần kiên nhẫn do có những cơ chế, chính sách liên quan tới nhiều bộ, ngành. "Ngay trong các cuộc họp Chính phủ, khi đưa ra một số vấn đề, chính sách cũng va vấp với các bộ, chưa thống nhất ngay được", ông nói.


Cẩn trọng trong cấp phép xả thải

Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần có chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp; đổi mới công tác quản lý thị trường, chống hàng giả..., đồng thời cẩn trọng trong thẩm định, cấp phép xả thải các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực nhiệt điện, thuỷ điện, thép, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra.

Nhìn nhận những nội dung Thủ tướng nêu là những vấn đề lớn, vừa có tính chiến lược, vừa là những bức xúc lâu nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nhiều nội dung sẽ được bản thân ông báo cáo giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn ngày mai (15/11). 

Thống kê của Tổ công tác của Thủ tướng cho thấy, tổng số nhiệm vụ Bộ Công Thương được giao là 486, đã hoàn thành được 286 nhiệm vụ và số chưa hoàn thành nhưng trong hạn là 187; chưa hoàn thành là 13. "Thủ tướng đặt vấn đề lúc này cần sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ, sát cánh với Bộ trưởng, lãnh đạo bộ vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định tình hình", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress