Biệt phủ rừng Hải Vân: Sẽ chính thức tháo dỡ

TP - Ngày 4/12, UBND thành phố Đà Nẵng có công văn gửi UBND quận Liên Chiểu, yêu cầu Chủ tịch quận xử lý đúng pháp luật đối với công trình không phép của ông Ngô Văn Quang. Sau khi ra văn bản tạm dừng tháo dỡ gây bão dư luận thời gian qua, cuối cùng, Đà Nẵng cũng thực thi theo đúng Nghị quyết HĐND thành phố.
Biệt thự của thiếu tướng Phan Như Thạch - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam xây trái phép trong rừng đặc dụng Nam Hải Vân đã được tháo dỡ (ảnh nhỏ); Biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang sẽ được xử lý nghiêm như vậy (ảnh lớn). Ảnh: P.V

Một số đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, UBND thành phố không còn lý do gì để trì hoãn việc thực thi Nghị quyết.

Thành ủy chỉ đạo xử lý nghiêm

Hôm qua, hầu hết cán bộ lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng bận họp Hội nghị Thành ủy lần 2. Các phóng viên không được dự cuộc họp này như những lần trước đó. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tiền Phong, lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố khẩn trương thực hiện theo công văn đề nghị của Thanh tra Chính phủ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho hay, tại Hội nghị Thành ủy, về vấn đề biệt phủ trong rừng Hải Vân của ông Ngô Văn Quang (Giám đốc Cty TNHH Phước Minh), Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã chỉ đạo UBND thành phố phải khẩn trương thực hiện Nghị quyết HĐND đã đề ra, không được chậm trễ. “Nói chung, vụ việc như thế cũng quá rõ ràng rồi, không có gì mà phải bàn thêm nhiều. Bây giờ là việc thực thi pháp luật của chính quyền Đà Nẵng thôi. Quan điểm của tôi trước sau vẫn không thay đổi. Tháo dỡ biệt phủ trị giá nhiều tỷ đồng tất nhiên ai cũng thấy tiếc của. Nhưng luật pháp phải được thượng tôn”, ông Nghĩa nói.

Biệt phủ của đại gia khai thác vàng Ngô Văn Quang xây dựng trái phéptrong rừng Hải Vân sắp bị tháo dỡ. Ảnh: PVMT

Hôm qua, phóng viên nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND thành phố, nhưng bất thành. Đến cuối giờ chiều hôm qua, UBND thành phố có công văn (số 9609/UBND-NCPC) gửi quận Liên Chiểu nêu rõ: “Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tổ chức thực hiện việc xử lý công trình xây dựng không phép của ông Ngô Văn Quang tại tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu theo đúng quy định của pháp luật”.

Trước đó, biên bản làm việc của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy, công văn ngày 17/11 (số 9105/UBND-NCPC) báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND thành phố cho ý kiến chỉ đạo theo hướng tạm dừng việc xử lý vào thời điểm 30/11 để chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và TTCP mới là điểm mấu chốt. Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND cho ý kiến như thế nào để UBND thành phố lại ra công văn phủ quyết Nghị quyết của HĐND được thông qua từ mấy tháng trước? Trả lời báo chí sáng 4/12, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (ông Thơ đồng thời là Phó Bí thư Thành ủy, là 1 trong 15 người trong Ban Thường vụ) cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy có họp và nhất trí tạm dừng như đề nghị của UBND thành phố.

Không còn lý do trì hoãn

Theo ông Trần Văn Lĩnh - đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, Nghị quyết HĐND đã ra thì đương nhiên phải được chấp hành. Cấp chính quyền chỉ được phép không thực thi trong trường hợp có văn bản của cấp cao hơn HĐND phủ quyết. Vì thế, việc UBND thành phố Đà Nẵng ra văn bản tạm dừng là không đúng, trái với qui định.

Công văn ngày 4/12 của UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu quận Liên Chiểu xử lý biệt phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Lĩnh cho rằng, khi đã ra Nghị quyết tức là có đầy đủ cơ sở, hành lang pháp lý để thực hiện, vì thế việc xin ý kiến của bất kỳ ai là không cần thiết. Ông nói: “Nghị quyết không sai, việc gì phải đẩy lên Thủ tướng, xin ý kiến chỉ đạo? Cũng may đây chỉ là văn bản tạm dừng và TTCP đã có ý kiến phản hồi rồi, nhưng ra cái công văn tạm dừng như thế cũng là quá sai rồi”.

Với câu hỏi, UBND thành phố cho rằng, ra văn bản tạm dừng vì TTCP đang có đợt thanh tra ở Đà Nẵng, trong đó có làm việc về vấn đề biệt phủ của ông Quang, nhằm đảm bảo công bằng cho công dân, ông Lĩnh nói việc này hoàn toàn không cần thiết.

“Tùy theo từng quan hệ pháp lý mà ra văn bản. Nếu TTCP về Đà Nẵng thanh tra Nghị quyết của HĐND là hợp pháp hay bất hợp pháp theo đề nghị của Thủ tướng thì mới ra văn bản tạm dừng thực thi Nghị quyết. Và trong công văn gửi địa phương, nhất định phải có ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu dừng thực thi thì mới được dừng. Đằng này, TTCP chỉ đơn giản là thanh tra vấn đề của ông Quang theo đơn của các hộ dân. Không lẽ mai mốt lại có đơn gửi tiếp, rồi lại vào thanh tra nữa thì bao giờ vụ việc mới được dứt điểm?”, ông Lĩnh phân tích.

Ông Lĩnh cho rằng, UBND thành phố không còn lý do gì để trì hoãn việc thực thi Nghị quyết bởi mọi việc đã quá rõ ràng.