Có thể không ít người không biết Nguyễn Tư Nghiêm là ai, họ thản nhiên buông những bình luận ngây ngô trước tác phẩm của ông để lại: “Như… con nít tập vẽ vậy đó”; “Đúng là nghệ thuật, chẳng hiểu gì cả het he” v.v.. Thương cho hội họa bị lạnh nhạt nhưng cũng thương cho “thượng đế” tự mình làm nghèo cho mình.
Có điều lạ lùng, với hội họa, người ta than khó hiểu nhưng với nghệ thuật hàn lâm, cụ thể là ballet thì nhiều khán giả ở ta tỏ ra thích thú. Vừa qua, một chương trình nghệ thuật thu hút đã diễn ra tại Hà Nội: Paris Ballet, với các vũ công được quảng cáo “đến từ nhà hát ballet lâu đời nhất thế giới”.
Vé xem chương trình sốt xình xịch, gây “choáng” cho Ban tổ chức. Chắc hiếm có chương trình nghệ thuật nào ở ta, khán giả phải dùng ống nhòm để theo dõi, như Paris Ballet. Nhưng người ta xem vì lạ lẫm, vì tò mò hay vì say mê và hiểu biết? Khi mà khán giả vốn đã ngại đọc văn học, thì trích đoạn ballet dựa trên tác phẩm của Proust chẳng hạn, mấy ai hiểu?
Có người đã bắt lỗi chương trình lớn này, ngay từ poster: “Chương trình bao gồm 9 trích đoạn ballet, không có “Swan Lake (Hồ thiên nga), nhưng poster lại là hình vở “Swan Lake”. Không có tên các trích đoạn cũng như diễn viên cho từng trích đoạn mà chủ yếu là nhà tài trợ”.
Chắc cũng bởi nhắc tới ballet, nhiều người Việt cũng chỉ nhớ đến “Hồ thiên nga” hoặc dư vị thành công từ đêm diễn “Hồ thiên nga” năm ngoái tại Hà Nội, của đoàn ballet đến từ Nga khiến người tổ chức dùng ngay hình ảnh của vở này làm “mồi câu”?
Có người nhận xét, ballet quá xa lạ ở ta, nên đoàn ballet được một số nhà báo khai thác theo kiểu “sô bít”: Xoáy vào người có tiểu sử đáng chú ý hay diễn viên xinh xắn, có gốc Việt, khai thác sở thích ẩm thực của cô ấy v.v…
Mới rồi, Trần Tiễn Cao Đăng nói về cuốn sách đầu tay của anh: “Tiểu thuyết của tôi không dành cho số đông”. Cách nói này có thể khiến không ít độc giả tự ái. Nhưng biết đâu vì tuyên bố không dành cho số đông mà kích thích số đông tìm đến? Bây giờ, người ta đến với nghệ thuật vì tò mò hay yêu thích, cũng… biết đâu mà lần.